Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khó trong xã hội hóa xử lý rác và phân loại rác

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện rất khó khăn trong xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt rác phát điện và phân loại rác.
Cần sớm xử lý triệt để nghịch lý ô nhiễm môi trường từ nhà máy xử lý rác ở Củ Chi 4 nhà máy xử lý rác trên cùng một xã ở Thái Nguyên, chính quyền nói gì? Bắc Ninh: Chính thức vận hành Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh – GCEP

Sáng 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - đoàn Bình Dương cho biết, qua báo cáo hiện nay tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, cụ thể ở đô thị tỷ lệ này đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khó trong xã hội hóa xử lý rác và phân loại rác
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - đoàn Bình Dương (Ảnh:Quochoi.vn)

Đại biểu lấy dẫn chứng, tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 đã kết luận: “Năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện”.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu về ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và thực trạng về xử lý rác sinh hoạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Đến năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, khu vực nông thôn khoảng 29.455 tấn.

Trong những năm vừa qua, các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải và được quan tâm trong lĩnh vực này. Đã có nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc xử lý rác được xây dựng.

Hiện, cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý rác sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 38 dây chuyền xuất phân compost và 1207 bãi chôn lấp chất thải rác sinh hoạt. Cụ thể, con số chôn lấp đang còn 65% của cả nước, chủ yếu là chôn lấp. Khoảng 16% là tổng số rác được các nhà máy chế biến và thu hồi đốt phát điện năng lượng...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khó trong xã hội hóa xử lý rác và phân loại rác
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh (Ảnh:Quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, báo cáo từ địa phương là 96% rác thải đô thị và 75% rác thải của nông thôn được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Hiện nay, khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt rác phát điện và phân loại, xử lý rác tại các nhà máy” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nguyên nhân như: Chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để; các địa phương chưa đủ lượng rác để xây dựng các nhà máy.

Bộ trưởng nêu ví dụ xây dựng một nhà máy cần phải đạt công suất trong một ngày với lượng rác lớn, nhưng một số địa phương và ngay cả đô thị trung tâm chỉ khoảng 200-300 tấn rác một ngày cho nên rất khó khăn trong việc xây dựng nhà máy xử lý tập trung.

Nói về các giải pháp của ngành tài nguyên, môi trường trong giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng cho biết Bộ đã có hướng dẫn tại Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Ban hành nội dung yêu cầu về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức về thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải; đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phân loại rác tại nguồn để cho các địa phương chủ động trong việc phân loại rác tại nguồn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khó trong xã hội hóa xử lý rác và phân loại rác
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói khó trong phân loại rác và xã hội hóa xử lý rác bằng hình thức đốt rác phát điện. Ảnh minh họa

Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định các chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới, trong đó ưu tiên ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật như đại biểu Xuân nói, cố gắng hoàn thành trong năm 2024.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt và tiếp tục rà soát, ban hành các quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. "Theo lộ trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai để thực hiện". - Bộ trưởng Khánh chia sẻ.

Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu phát triển công nghệ, trong đó tập trung vào nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý rác sinh hoạt và cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế. “Bởi vì công nghệ hiện nay có một số công nghệ như Nhật Bản đã đầu tư ở Bắc Ninh rất tốt. Cho nên chúng ta tiếp tục hợp tác, trao đổi với quốc tế và kêu gọi thu hút đầu tư”. - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương