Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tôi đã trình 3 lần, mệt quá không nói nữa chứ không phải đồng ý"

(Banker.vn) Các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề "chi thường xuyên" hay "chi đầu tư" đối với các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Bộ, ngành bây giờ tiếp khách, đi công tác rất ít Bộ Tài chính yêu cầu phân bổ hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công 500 tài sản công đang bỏ không, gây lãng phí sau sắp xếp đơn vị hành chính

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát

Sáng 6/11, đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường - đoàn Đà Nẵng) cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đà Nẵng
Đại biểu Trần Chí Cường - đoàn Đà Nẵng chất vấn tại phiên họp

Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

“Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước và trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa được đề cập. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết” - đại biểu Cường chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, Nghị định 73 của Chính phủ đối với hệ thống công nghệ thông tin thì hướng dẫn thực hiện nghị định 73 còn vướng mắc, phần đầu tư có phải lập dự án đầu tư hay có đưa vào đầu tư công trung hạn hay không. Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, định mức xây dựng với công trình giao thông và công trình kiến trúc đang được kiểm soát chặt chẽ và được thực tế kiểm nghiệm qua hàng chục năm và rất nhiều công trình.

Bộ trưởng cho rằng, không có gói thầu lãng phí mà nhiều định mức còn thấp so với thực tế chi phí. Như nhân công định mức cao nhất chỉ có 300.000 đồng, nhưng ở bên ngoài phải thuê đến 500.000 đồng/ngày.

“Lãng phí ở đầu tư công, chúng tôi không nghĩ là do định mức mà nằm ở quá trình triển khai như ăn bớt khối lượng, chất lượng hoặc để thời gian thực hiện quá dài, lãng phí không đưa vào sản xuất, sử dụng, thiếu vốn, hay vốn chờ thủ tục” - ông Phớc nói.

Bổ sung nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, vướng mắc ở đây không hẳn do Luật Đầu tư công, mà có vướng ở Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo ông Dũng, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công. “Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội, việc dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện theo chi thường xuyên” - ông Dũng nói.

Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án. “Có cái cần làm trước thì lại không làm, cái chưa cần làm thì lại làm” - ông Dũng nói.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Ngoài ra, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu, công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Ngoài ra, quy mô dự án được xây dựng, làm ở cấp thấp, rồi sau đó lại mở rộng, nâng cấp nên tốn thêm kinh phí bổ sung rất lớn. Ví dụ, hiện nhiều cao tốc xây dựng 2 làn, giờ mở rộng thì rất tốn kém.

Phải giải quyết để đảm bảo kinh tế phát triển

Sau phần trả lời của 2 Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, các cơ quan Quốc hội khẳng định và trả lời Chính phủ rằng,trong thực tiễn, không có văn bản pháp luật, trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên, chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền.

"Không phải trên 15 tỷ đồng là đầu tư công, còn dưới 15 tỷ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương, giáo dục đào tạo là chi hàng trăm tỷ, đây là tính chất khoản chi chứ không phải căn cứ vào giá trị của khoản chi" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cho biết không vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công, yêu cầu Chính phủ rà soát xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách hay không, và kết quả sau khi rà soát, kết luận là cũng không vướng mắc gì. Do đó, Quốc hội đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình.

“Nếu Chính phủ, các bộ thấy trách nhiệm giải thích pháp luật của các Ủy ban Thường vụ Quốc hội như thế nào, thì phải có đề xuất, Thường vụ Quốc hội mới giải thích được, chứ Thường vụ Quốc hội không giải thích những gì đã rõ, nội dung không ai yêu cầu giải thích" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội nói thêm: Vấn đề này đã tranh luận nhiều, tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Tài chính nói “từ nay không nêu lại vấn đề này”, hôm nay Bộ trưởng lại nói lại. Vì đã 3 lần chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách Nhà nước hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát.

Sau phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách.

Theo đó, Luật Đầu tư công 2014 "trói" hết toàn bộ các hoạt động vào trong đầu tư công, ví dụ như sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, toàn bộ tài sản công không phân biệt giá trị bao nhiêu tiền đưa vào thì đương nhiên khi thực hiện tài sản đấy rõ ràng phải bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công.

Hai là, Luật Đầu tư công quy định các khoản chi về đầu tư, nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm thì không được chi.

Thứ ba, là kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vi phạm và chính điều đấy “trói” cả chi phí làm quy hoạch, chi phí để chuẩn bị đầu tư hay các vấn đề như là hỗ trợ lãi suất cũng đưa vào Luật Đầu tư công.

Điều này dẫn tới thực trạng, Nhà nước nợ 2.200 tỷ đồng các ngân hàng thương mại nhưng chưa bố trí kinh phí được để hỗ trợ các ngân hàng chính sách. Hay nhiều nơi nhà cửa hỏng mà không có kinh phí sửa.

“Chẳng hạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thiếu hàng rào, nhưng Luật Đầu tư công không bố trí vào trung hạn, không làm được hàng rào, đấy là sự thật” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải giải quyết vấn đề này để đảm bảo kinh tế phát triển, không vướng cho cán bộ làm, không sai phạm khi làm theo chỉ đạo.

Ông Hồ Đức Phớc cũng giải thích thêm rằng, tại một kỳ họp, ông nói “không nêu vấn đề này nữa là do đã trình 3 lần rồi, mệt quá nên không nói nữa, chứ không phải đồng ý”.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương