Nhà cao tầng còn mọc, nguy cơ ùn tắc còn tiếp diễn
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên sáng 8/6, đại biểu đại biểu Tráng A Dương - đoàn Hà Giang phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn |
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và đâu là giải pháp Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện trong thời gian tới” - đại biểu chất vấn.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - đoàn Vĩnh Phúc hỏi, để hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân, làm giảm áp lực lên kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và khu vực tập trung đông người, xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp gì?”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để giải quyết thực trạng này thì cần nhiều thời gian. Bởi thực tế, kinh nghiệm từ các thành phố lớn có tiềm lực kinh tế như Tokyo, Bắc Kinh cũng mất một thời gian dài mới giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần phải quản lý, siết chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. “Nếu không kiểm soát quy hoạch đô thị, vùng trung tâm tiếp tục mọc lên các khu đô thị, nhà cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, dù Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất cố gắng nhưng hiện chỉ dành được 8-9% đất cho giao thông, trong khi mục tiêu đặt ra từ 16-26%. Đặc biệt, bãi đỗ xe ở hai thành phố cũng rất khiêm tốn.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải nhấn mạnh, giao thông công cộng rất cần thiết cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với hai thành phố này phát triển giao thông công cộng, trong đó là đường sắt đô thị.
“Tôi rất bất ngờ sau 19 tháng vận hành Cát Linh - Hà Đông hàng ngày có 31.000 - 33.000 người đi, cao điểm 55.000 người/ngày. Tàu chạy 6 phút/chuyến, lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng” - Bộ trưởng chia sẻ.
Cùng với phát triển giao thông công cộng, theo Bộ trưởng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần sắp xếp mở rộng không gian ra bên ngoài, cùng với làm đường Vành đai 3 và 4 để các phương tiện không phải đi vào nội thành.
Sẽ trình lại phương án xử lý 8 dự án BOT
Tranh luận về việc xử lý các dự án BOT, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh băn khoăn khi Tư lệnh ngành giao thông chưa đưa ra thời gian cụ thể đối với một số dự án BOT. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng có cam kết hết sức cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ Giao thông Vận tải cũng rất trăn trở về vướng mắc tại các dự án BOT. Bộ trưởng đã tổng kết đánh giá và thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, tháo gỡ triệt để rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực BOT, từ thể chế, chính sách đến vấn đề cụ thể.
"Phải tạo lòng tin cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp BOT tự tin bỏ nguồn lực" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nêu nhiều giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói Bộ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, không chỉ với 8 dự án BOT đang gặp khó khăn mà toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc, gồm cả dự án ở Trung ương và địa phương, để có bức tranh toàn cảnh, từ đó đề ra giải pháp. Sau khi tổng hợp ý kiến địa phương và nhận diện các vấn đề, Bộ sẽ trình lại phương án xử lý với 8 dự án BOT trước đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Quỳnh Nga - Thu Hường
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|