Bộ tiêu chí về FDI: Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại

(Banker.vn) Không chỉ thuận lợi cho các địa phương, cơ quan hoạch định chính sách, bộ tiêu chí về FDI do ISC xây dựng còn góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại.
Công nghiệp chế biến chế tạo: Điểm sáng trong bức tranh FDI Doanh nghiệp FDI than mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hành chính Công bố kết quả nghiên cứu xây dựng 2 bộ tiêu chí về đầu tư trực tiếp nước ngoài

Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) vừa công bố kết quả nghiên cứu xây dựng 2 Bộ tiêu chí về đầu tư nước ngoài, bao gồm: Tiêu chí về thẩm định dự án FDI thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và Tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ hơn về 2 Bộ tiêu chí này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) về nội dung trên.

Các Bộ tiêu chí về đầu tư nước ngoài được ISC xây dựng dựa trên các cơ sở nào, thưa ông?

Cơ sở chính trị và pháp lý để xác định các tiêu chí là Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW; Các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng, quy hoạch, thống kê… ISC không đề xuất bất cứ tiêu chí nào ngoài quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến FDI.

Bộ tiêu chí về FDI: Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại
TS Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế

Thưa ông, để xác định các tiêu chí thẩm định về đầu tư nước ngoài, ISC đã tiến hành những hoạt động như thế nào?

Để xác định các tiêu chí thẩm định, ISC đã tổ chức khảo sát các địa phương để nắm bắt nhu cầu thực tế, xác định rõ đối tượng sử dụng tài liệu hướng dẫn về các tiêu chí. Bộ tiêu chí được thiết kế dưới dạng cẩm nang tra cứu để người sử dụng dễ dàng tìm được các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư. Do đó, sẽ rút ngắn được thời gian xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, đảm bảo thời hạn 35 ngày theo quy định. Chúng tôi không đặt ra quá nhiều tiêu chí thẩm định mà xác định các tiêu chí thẩm định phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không đề xuất thêm các tiêu chí mới chưa rõ ràng.

Bộ tiêu chí chỉ có 10 tiêu chí thẩm định. Trong đó, 8 tiêu chí mang tính chất sàng lọc dự án, chỉ ra các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Hồ sơ và tư cách pháp lý của nhà đầu tư; ngành nghề/lĩnh vực đầu tư; phù hợp với quy hoạch; bảo đảm quốc phòng an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm năng lực tài chính; bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sử dụng lao động; ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Hai tiêu chí xem xét ưu đãi, khuyến khích đầu tư chỉ ra các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án FDI chất lượng cao, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn và ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư.

Mỗi tiêu chí bao hàm các nội dung như: Tên tiêu chí; yêu cầu cần đáp ứng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn xử lý khi hồ sơ đáp ứng yêu cầu (tiếp tục thẩm định hoặc lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn) hoặc không đáp ứng yêu cầu (trả lại hồ sơ, dừng thẩm định, yêu cầu bổ sung chỉnh sửa hồ sơ).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Liệu có sự mâu thuẫn giữa các tiêu chí do ISC đề xuất với Bộ tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành?

ISC không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên Bộ tiêu chí mà ISC công bố không mang tính chất văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo điều hành mà chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài của lãnh đạo các cơ quan chức năng của địa phương.

Mục đích nghiên cứu Bộ tiêu chí này là cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương. Trên cơ sở đó có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước.

Mục đích trước mắt là phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII ở từng địa phương và trong cả nước.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí, chúng tôi đã trao đổi, xin ý kiến của các chuyên gia có liên quan ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo các tiêu chí do ISC đề xuất không mâu thuẫn với Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo.

Ngoài ra, do tính chất đối tượng sử dụng, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung một số tiêu chí mà Nghị quyết số 50-NQ/TW yêu cầu liên quan đến phát triển tổ chức đảng và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ tiêu chí về FDI: Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại
Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh gồm 36 tiêu chí, chia thành 7 nhóm

Ông có thể giới thiệu kỹ hơn về Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh?

Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh gồm 36 tiêu chí, chia thành 7 nhóm, bao gồm: Nhóm tiêu chí về thu hút FDI có 2 tiêu chí là: Vốn FDI đăng ký mới và quy mô dự án.

Nhóm tiêu chí về sử dụng FDI có 5 tiêu chí: Vốn FDI thực hiện trong kỳ báo cáo; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện; số dự án FDI đã đi vào kinh doanh; số dự án FDI phải xem xét chấm dứt hoạt động và số dự án bị giải thể trước thời hạn.

Nhóm tiêu chí về hiệu quả kinh tế của khu vực FDI có 9 tiêu chí: Đóng góp của khu vực FDI vào GRDP của tỉnh; hiệu quả sử dụng đất; hiệu quả sử dụng lao động; hiệu quả kinh doanh; nộp ngân sách nhà nước; xuất khẩu; nhập khẩu; tác động lan tỏa; tỷ lệ nội địa hóa.

Nhóm tiêu chí về hiệu quả xã hội của khu vực FDI có 8 tiêu chí: Việc làm; thu nhập bình quân của người lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới; sử dụng lao động là người khuyết tật; phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Nhóm tiêu chí về bảo vệ môi trường có 4 tiêu chí: Kiểm soát khí nhà kính; tiết kiệm năng lượng; quản lý môi trường; chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.

Nhóm tiêu chí về công nghệ và quản lý có 4 tiêu chí: Ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao công nghệ; quản lý chất lượng; đổi mới sáng tạo.

Nhóm tiêu chí về đảm bảo an ninh có 4 tiêu chí: Đầu tư nước ngoài tại khu vực ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh; đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy; vi phạm về chuyển giá, trốn thuế; vi phạm an ninh chính trị xã hội.

Ông đánh giá ra sao về tính khả thi của các Bộ tiêu chí này?

Các tiêu chí được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp với tham vấn chuyên gia.

Để xây dựng hai bộ tiêu chí nói trên, ISC đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan chức năng các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh và xin ý kiến góp ý của nhiều tỉnh, thành phố khác. ISC cũng đã tổ chức ba hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến chuyên gia các bộ ngành và các địa phương trong cả nước.

Các tiêu chí ISC đưa ra có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Theo ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng ở các tỉnh, tài liệu hướng dẫn áp dụng hai bộ tiêu chí về FDI do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) nghiên cứu đề xuất là tài liệu tham khảo hết sức hữu ích đối với các địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài trên địa bàn. Đây cũng là tài liệu có giá trị trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh khi thực thi nhiệm vụ.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục