Bộ Tài chính nêu 5 giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(Banker.vn) Phát biểu tại Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Viêt Nam 2022 diễn ra ngày 18/9 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chi Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu 5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững.

Trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề rất được quan tâm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán cũng như định hướng phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp. Những động thái của các cơ quan chức năng thời gian qua giúp thị trường thanh lọc song cũng cần có những tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông.

Phát biểu tại Tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nêu 5 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại Tọa đàm 

Nhóm giải pháp thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường, rà soát các luật liên quan trực tiếp đến quyền được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Trong đó, có ba nhóm vấn đề xem xét báo cáo trình Quốc hội, gồm: điều kiện đối với doanh nghiệp xin chào bán trái phiếu; điều kiện đối với nhà đầu tư được phép tham gia đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp; cách thức phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng.

Nhóm giải pháp thứ hai, cần đa dạng và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Bởi hiện nay thiếu rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cần tổ chức đào tạo và nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các nhà đầu tư trong quá trình phân tích những rủi ro tài chính của doanh nghiệp, để đưa ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.

Nhóm giải pháp thứ ba, nâng cao chất lượng của các định chế trung gian tài chính tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp… 

Nhóm giải pháp thứ tư, tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình phát hành trái phiếu, đặc biệt phải thể chế hóa và phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Đức Chi khẳng định, khi xác định rõ trách nhiệm của từng đối tượng sẽ thực hiện nghiêm túc và hạn chế được rủi ro. Ngoài ra, các cơ quan chức năng trong quá trình giám sát, kiểm tra phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhóm giải pháp thứ năm, công tác truyền thông phải minh bạch, kịp thời đến công chúng, đến xã hội về các chính sách, quy định của pháp luật đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị đối với thị trường đề phòng các rủi ro để có thị trường trái phiếu lành mạnh.

Được biết, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, sau đó, những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ