Bộ tài chính đề xuất tăng mức phạt với vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm

(Banker.vn) Bộ Tài chính đề xuất xử phạt nếu tài liệu giới thiệu sản phẩm thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm. Ngoài ra, Bộ tài chính cũng đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Cụ thể, Bộ tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Bộ tài chính đề xuất tăng mức phạt với vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quá trình thực hiện cho thấy Nghị định số 98/2013/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hỗ trợ tối đa, hiệu quả công tác quản lý, giám sát, điều hành thị trường bảo hiểm, thị trường xổ số Việt Nam trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Cụ thể hơn, đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều; ngày 01/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 thì quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP cũng phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đối với lĩnh vực kinh doanh xổ số: Hiện chưa có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 98/2013/NĐ-CP.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường.

Theo dự thảo, các nội dung dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung như bổ sung đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định gồm: chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, văn phòng đại diện của tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp, bán sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng hoặc kênh phân phối khác của đại lý bảo hiểm, cụ thể: Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định mới được bổ sung tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản, cụ thể: Quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, các quy định về việc thực hiện biện pháp cải thiện, các quy định về việc thực hiện biện pháp can thiệp sớm, các quy định về việc thực hiện biện pháp kiểm soát, không thực hiện trách nhiệm khi bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát. Bổ sung hành vi vi phạm về công khai thông tin, một số quy định mới về xử phạt quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

Cùng với đó, về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, dự thảo nêu rõ phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng (thay cho mức từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng hiện nay) đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối.

Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

Vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm bị phạt tới 70 triệu đồng

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm. Theo đó, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm cụ thể:

Đối với hành vi cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Không tuân thủ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô đã đăng ký với Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại Điều 145 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thanh toán, chi trả hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm vượt quá mức tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trả hoa hồng bảo hiểm không đúng đối tượng hoặc nghiệp vụ theo quy định của pháp luật tại điểm đ khoản 2 Điều 128 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng điều kiện quy định bị phạt tới 200 triệu đồng.

Theo dự thảo, phạt tiền từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm cụ thể:

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật.

Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới không có trụ sở chính tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại trong đó có thỏa thuận về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không thực hiện thông qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; không thực hiện môi giới cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 88 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Mang tiền đến VIB gửi tiết kiệm, khách hàng nhận trái đắng bảo hiểm Prudential sau màn tư vấn "ngon ngọt"

Kinhtechungkhoan.vn nhận được phản ánh của độc giả về việc "mua nhầm" sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Prudential khi đến Ngân hàng VIB (HOSE: ...

Bắt tay với loạt “ông lớn” ngân hàng, FWD Việt Nam vẫn báo lỗ lũy kế gần 6,8 ngàn tỷ

Kết thức 6 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) có lãi ròng trở lại với hơn ...

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nhanh chóng chủ động giải quyết quyền lợi cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội

Liên quan tới vụ cháy chung cư mini mới đây, ngày 14/9/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn ...

Khánh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán