Bổ sung vốn cho VEC: "Cú hích" cho cao tốc Bến Lức - Long Thành và nhiều dự án quy mô lớn

(Banker.vn) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đứng trước cơ hội được "bơm" bổ sung vốn điều lệ lên đến 38.251 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính mới này hứa hẹn sẽ là "cú hích" quan trọng, giúp VEC hoàn thành các dự án trọng điểm, cũng như nâng cấp quy mô…

Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ bổ sung 38.251 tỷ đồng vào vốn điều lệ của VEC trong giai đoạn 2024-2026. Nguồn vốn này bao gồm 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Nếu được Quốc hội thông qua, vốn điều lệ của VEC sẽ đạt mức 39.366 tỷ đồng. Việc bổ sung vốn cho VEC được kỳ vọng thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần kết nối các vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện VEC đang đảm nhiệm việc phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Tuy nhiên, với số vốn hiện tại, VEC gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án quy mô lớn.

"Cơn khát" vốn đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Lào Cai - Yên Bái. VEC cũng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực cho kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Bổ sung vốn cho VEC:
VEC là DN đảm nhiệm việc phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia

Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, VEC đang làm chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc (550km với tổng mức đầu tư 108.865 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 44.4%, nguồn vốn VEC huy động chiếm 55,6%).

Hiện tại, VEC hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 4/5 dự án (490km, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài đường bộ cao tốc tại Việt Nam).

Theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến năm 2025 đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt, VEC sẽ cân đối từ nguồn vốn chủ sở hữu thay thế nguồn vốn đầu tư công thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành (7.547,57 tỷ đồng), đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng), đầu tư mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc Dự án đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng).

Mặt khác, tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 14.890 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 17.053 tỷ đồng trong khi hiện vốn điều lệ VEC rất thấp (1.115 tỷ đồng) so với quy mô đầu tư (khoảng 108.865 tỷ đồng).

Do đó VEC gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 14.890 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 17.053 tỷ đồng), đặc biệt đối với nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn thấp như nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình.

Mặt khác, ghi nhận vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước thông qua giá trị tài sản hình thành từ hoạt động đầu tư, tăng cường phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư, tạo điều kiện cho VEC phát triển bền vững; tăng cường năng lực tài chính đảm bảo thực hiện cam kết với khách hàng, đối tác tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đảm bảo cơ sở thực hiện khấu hao, hạch toán kế toán đối với tài sản là đường bộ cao tốc, phát huy vai trò nòng cốt/dẫn dắt trong hoạt động đầu tư/quản lý khai thác vận hành đường bộ cao tốc.

Nguồn vốn mới sẽ là "chìa khóa" để VEC hoàn thành tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến cao tốc Lào Cai - Yên Bái, đồng thời đầu tư vào các dự án mới trong tương lai.

Được biết, VEC đã từng trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính, nhưng những năm gần đây DN này đã có những bước phát triển đáng kể.

Trong 3 năm gần nhất (2021-2023), VEC đạt tổng doanh thu 20.556 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.469 tỷ đồng và được xếp loại A trong 3 năm liên tiếp.

Đầu tư vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc, luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nê việc "bơm" hơn 38.000 tỷ đồng cho VEC cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển hệ thống đường cao tốc.

Dự án ô tô 7.000 tỷ tại Thanh Hóa khởi động lại: Cú hích cho công nghiệp miền Trung

Dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, ...

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 25.500 tỷ đồng: Bộ GTVT đề nghị rà soát bộ máy quản lý dự án

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 128,8 km ...

Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng: 18.000 tỷ đồng cho dự án "con đường huyết mạch" kết nối 2 tỉnh miền núi

UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, một trục giao thông ...

Lâm Đồng bổ sung 3.761 tỷ đồng vốn đối ứng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Tỉnh Lâm Đồng bổ sung hơn 3.761 tỷ đồng đối ứng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, hứa hẹn tạo động ...

Bùi Quý

Bùi Quý

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục