Bổ sung trách nhiệm quản lý tài nguyên nước của Chính phủ, các bộ

(Banker.vn) Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ trong quản lý khai thác, sử dụng nước.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Đề xuất không quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Có nên đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)? Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả để ngành dệt may phát triển bền vững

Quy định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo

Sáng 26/10, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, từng bộ, ngành liên quan đến tài nguyên nước để tránh chồng chéo, hiệu quả.

Bổ sung trách nhiệm của các bộ liên quan đến khai thác, sử dụng nước để tránh bỏ sót trách nhiệm quản lý.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các bộ có liên quan như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước.

Theo điều 79 dự thảo luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, nguồn nước và điều hoà, phân phối tài nguyên nước trong phạm vi cả nước. Bộ có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố bộ chỉ số an ninh nguồn nước và chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Tổ chức quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về mưa, lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các hiện tượng bất thường về tài nguyên nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi thuộc phạm vi quản lý bảo đảm các quy định khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của luật này.

Bộ Công Thương trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của luật này...

Quy định rõ hoạt động khai thác nước dưới đất

Cũng theo ông ông Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị phải kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định.

Việc này nhằm quản lý chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 1/7/2026, tức là 2 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, có giải pháp phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách tài chính, đặc biệt về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động phục hồi các dòng sông.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cơ chế tài chính cho hoạt động này; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm và thể hiện như tại Điều 34, Điều 73 và Điều 74 dự thảo luật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương