Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất 6 nhóm chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

(Banker.vn) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Nhiều dư địa để Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp Hà Nội: Vinaconex làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp 6.338 tỷ đồng

Chiều 3/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, phóng viên đã đề cập tới nội dung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Vậy dự kiến luật này có nội dung gì mới để tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay?

Thông tin báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế.

"Chúng tôi đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo luật này" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất 6 nhóm chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại họp báo

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đồng thời, đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...

Theo đó, 6 nhóm chính sách tập trung vào chính sách hỗ trợ, cụ thể: Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế.

"Chúng ta đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Nhóm chính sách thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Ví dụ: Những loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái… Các khu này có tính chất đặc thù và có những chính sách ưu việt hơn, thì chúng ta cũng phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp này, để đảm bảo việc phát triển mục tiêu của khu công nghiệp chuyên biệt.

Nhóm chính sách thứ ba là nhóm chính sách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.

Nhóm thứ tư là phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Cụ thể, lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp này.

Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển khu công nghiệp này.

"Cuối cùng, thông qua các chính sách này, chúng tôi nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này vừa là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn mở rộng. Ảnh minh họa
Các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đóng góp vào tổng thu ngân sách, tạo việc làm, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, năm 2023 các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tăng tốc. Về tình hình phát triển các khu công nghiệp, trong năm 2023, cả nước có thêm 13 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh/chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đạt khoảng 3.858 ha.

Đến nay, cả nước đã có 416 khu công nghiệp đã thành lập (bao gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha; tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

Báo cáo về tình hình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế của các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương trên cả nước cho thấy, các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đóng góp vào tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương