Bộ Công Thương triển khai 5 giải pháp đưa thương mại điện tử “bứt tốc”

(Banker.vn) Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng các lĩnh vực ngành Công Thương, tiêu biểu là thương mại điện tử đã đạt được những kết quả nổi bật.
Bộ Công Thương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững Thương mại điện tử “Xanh hóa” nhờ bao bì thân thiện môi trường

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ: “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước...”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các lĩnh vực ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.

Cụ thể, nhận thức được vai trò, sự cần thiết của thương mại điện tử trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg (Quyết định số 645) ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quyết định số 645, các nhóm giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 645, nhiều giải pháp cho phát triển thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xây dựng và phát triển.

Giải pháp thứ nhất là “Hỗ trợ thanh toán trong thương mại điện tử”: Với nền tảng hỗ trợ giao dịch tích hợp thanh toán điện tử KeyPay được Bộ Công Thương xây dựng đã hỗ trợ các cơ quan nhà nước, Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, cung ứng hàng hóa chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử thông qua thẻ thanh toán đã được kích hoạt thanh toán trực tuyến của các ngân hàng tại trong nước và quốc tế.

Hiện, KeyPay đã và đang hỗ trợ 27 đơn vị thuộc các bộ ngành, địa phương triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 gồm: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Hậu Giang; Sở giao thông vận tải Hà Nội. KeyPay tham gia kết nối thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hỗ trợ thanh toán cho các thủ tục hành chính trên cổng.

Giải pháp thứ hai là “Chương trình Một thẻ quốc gia - Thẻ Việt”: Đây là một hệ thống nền tảng kết nối các hệ thống thẻ liên kết thông minh, tích hợp thanh toán, quản lý giao dịch điện tử tại Việt Nam. Chương trình Thẻ Việt đã triển khai đến các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực y tế, thương mại, du lịch. Chương trình đã tiếp tục mở rộng phát hành thẻ cho 40 đơn vị, điểm mở thẻ với tổng số thẻ phát hành lên đến gần 350.000 thẻ. Tháng 11/2022, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai hệ thống vé điện tử tích hợp thẻ Việt và hóa đơn điện tử cho Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Bộ Công Thương triển khai 5 giải pháp đưa thương mại điện tử “bứt tốc”
Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn)

Giải pháp thứ ba là “Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam”: Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam là hệ thống được Bộ Công Thương xây dựng, vận hành và chính thức ra mắt vào tháng 6/2022 nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... trong việc kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại. Đến tháng 6/2023, đã có 13 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.

Giải pháp thứ tư là “Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday”: Chương trình được tổ chức hàng năm với mục tiêu xây dựng một ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm, xây dựng một liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử.

Sự kiện diễn ra vào năm 2022 đã thu hút sự tham gia của 300.000 sản phẩm chính hãng có chương trình khuyến mãi và hơn 50.000 voucher giảm giá đã được đưa lên hệ thống. Hệ thống Online Friday 2021 cũng đã kết nối với kho dữ liệu hơn 10 triệu sản phẩm từ các sàn giao dịch thương mại điện tử, website B2C thông qua Access Trade Việt Nam.

Giải pháp thứ năm là “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử Go Online (www.goonline.gov.vn)”: Chương trình cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số như: Tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất (các giải pháp quản lý nhân sự, quản lý công việc, thư điện tử,...); tiết kiệm chi phí quản lý và sản xuất (quản lý dây chuyển sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý kênh bán hàng); thúc đẩy doanh số bán hàng (quảng cáo trực tuyến, bán hàng đa kênh, phát triển thương hiệu số, ...).

Những giải pháp tham gia Chương trình được cung cấp bởi các doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương chọn lọc, đánh giá trước khi cung cấp tới doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2023, Chương trình đã có 20 doanh nghiệp với gần 50 giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số và thương mại điện tử tham gia.

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tương đương 25% so với năm 2022.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương