Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương có đại diện các Cục, Vụ và đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương. Tham dự hội nghị điểm cầu trực tuyến còn có đại diện các Bộ, ngành, sở Công Thương các địa phương và tập đoàn, tổng công ty.
Quang cảnh Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản. Ảnh: Việt Hiến |
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, thực hiện quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.
Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 8387/TTr-BCT ngày 27 tháng 11 năm 2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản. Ngày 23 tháng 4 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.
Bên cạnh các nhiệm vụ của các Bộ, ngành được giao tại Điều 2 của Quyết định số 866/QĐ-TTg, để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản, cũng như phối hợp giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành như:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo khả thi, có hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệu đính, cập nhật các nội dung liên quan trong quá trình triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg; đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của Quy hoạch; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản; chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản; góp ý hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch cấp quốc gia; đánh giá tác động môi trường; khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Quy hoạch khoáng sản. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có khoáng sản lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất bị ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ. Chỉ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát và loại trừ các khu vực đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản nhưng chưa cập nhật vào Quy hoạch khoáng sản.
Nhiệm vụ cụ thể cũng được phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khác; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bùi Huy Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hiến |
Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện. Định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Yêu cầu bảm bảo tính tuân thủ, kế thừa các Nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch ngành và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt; không hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư.
Đảm bảo phát triển tối ưu tổng thể các yếu tố khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian và lợi thế so sánh của các vùng, địa phương.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý. Phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng bền vững trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường đối với các loại năng lượng; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương.
Bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Theo Vụ kế hoạch - Tài chính, đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. Dự trữ thương mại chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.
Dự trữ quốc gia đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Về khí đốt: Đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đốivới LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.
Hội nghị đang tiếp tục ghi nhận ý kiến đại diện các Bộ, ngành, Sở Công Thương các địa phương và tập đoàn, tổng công ty.