Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương

(Banker.vn) Bộ Công Thương vừa tổ chức chuỗi hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Nam, Tuyên Quang.
Bộ Công Thương hỗ trợ Cao Bằng đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử Bộ Công Thương đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử cho Bình Định

Các hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Nam, Tuyên Quang do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các địa phương về thương mại điện tử. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt thông tin, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, kinh doanh thời gian tới.

Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương
Hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Tại Hội nghị ở tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) đã thông tin về thực trạng thương mại điện tử Việt Nam tới các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, liên quan đến hệ sinh thái xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thành đã giới thiệu một số kênh do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) quản lý, vận hành như: Cổng thông tin thị trường xuất khẩu Vietnamexport (vietnamexport.com) với các báo cáo thị trường, bản tin cơ hội giao thương với thị trường nước ngoài; nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ECVN.com, iFair.vn; vsign.vn; agroviet.info…

Cùng với đó, để hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon, đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) đã chia sẻ cụ thể về ưu đãi phí duy trì tài khoản 6 tháng chỉ 1 USD khi tham gia cùng Amazon Global Selling; khuyến mãi tùy chỉnh; nâng cấp chương trình vận chuyển SEND; Trung tâm đào tạo Amazon Day-1 Việt Nam…

Các diễn giả đến từ nhóm Ekip của EcomViet cũng đã hướng dẫn tìm hiểu thủ tục và quy trình thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; thương mại điện tử thông minh và cách ứng dụng đa dạng các giải pháp AI cho cán bộ quản lý nhà nước vào thực hiện nghiệp vụ trong công tác; cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến cho doanh nghiệp; phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng; xây dựng niềm tin qua sự minh bạch thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc votas.vn…

Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương
Các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam tham gia hội nghị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Tại Tuyên Quang, trong hai ngày diễn ra hội nghị tập huấn, các diễn giả đến từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) và Công ty TNHH Giải Pháp Phát Triển Doanh Nghiệp iViet đã chia sẻ với các học viên những kiến thúc cơ bản như: Tổng quan về thương mại điện tử Việt Nam, vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động thương mại điện tử; tổng quan về pháp luật thương mại điện tử, một số nội dung thay đổi nghị định 85/2021/NĐ-CP và Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, hội nghị còn phổ biến một số hành vi vi phạm, lừa đảo, gian lận trong lĩnh vực thương mại điện tử; hồ sơ, thủ tục và quy trình thông báo, đăng ký website thương mại điện tử; sử dụng công cụ AI trong viết nội dung và tiêu đề giới thiệu sản phẩm, quảng cáo trong thương mại điện tử; công cụ và các bước để xây dựng video quảng cáo hấp dẫn, thu hút người xem; phát triển kinh doanh và sử dụng công cụ tiktok hiệu quả; tiếp thị trực tuyến, tiếp thị nội dung (content marketing) trên các nền tảng thương điện tử; Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử shopee và một số sàn thương mại điện tử nổi tiếng...

Ông Võ Xuân Nam – Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) cho biết, để chuyển đổi số thương mại điện tử thành công, doanh nghiệp không thể thiếu các giải pháp công nghệ mới. Việc áp dụng các giải pháp này sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo sự bảo mật của mạng lưới.

Một trong những giải pháp công nghệ mới mà doanh nghiệp nên ứng dụng vào thương mại điện tử là công nghệ thực tế ảo (VR). Việc ứng dụng công nghệ này sẽ nâng cao trải nghiệm, phục vụ khách hàng nhanh hơn. Thêm vào đó, doanh nghiệp không cần sáng tạo lại toàn bộ mô hình kinh doanh để thực hiện các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số mà chỉ cần ứng dụng đúng các công cụ VR/AR phù hợp”, ông Võ Xuân Nam chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet cũng đã chia sẻ 6 bước thiết lập doanh hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp trên shopee, gồm: Xác định khách hàng, lựa chọn sản phẩm; tạp shop và set up gian hàng; tối ưu sản phẩm chuẩn SEO; seeding quảng cáo; tham gia các chương trình khuyến mãi; chăm sóc khách hàng sau bán.

Bộ Công Thương tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương

Đại diện Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet chia sẻ tại hội nghị tổ chức ở Tuyên Quang. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Khảo sát từ các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử cũng cho thấy nguồn nhân lực thương mại điện tử còn đang thiếu hụt, có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy thương mại điện tử, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn lại là các ngành nghề khác.

Còn theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử có việc làm được ghi nhận tại một số trường đại học, cao đẳng đạt tới trên 90%. Hình thức đào tạo thương mại điện tử hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng chiếm 37%; đào tạo ngắn hạn tập trung 33%, đào tạo chính quy dài hạn chiếm 16%, đào tạo trực tuyến chiếm 9%.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam như hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu về nhân lực đang trở nên vô cùng cấp bách. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ có nhiều nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo hình thức chính quy và không chính quy trong giai đoạn tới. Cũng như việc được các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo về thương mại điện tử là hết sức quan trọng, cần thiết, không chỉ góp phần cải thiện nguồn nhân lực thương mại điện tử cho doanh nghiệp mà còn đối với các cán bộ quản lý về lĩnh vực này tại địa phương.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục