Bộ Công Thương thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trên thương mại điện tử

(Banker.vn) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đang trở thành vấn đề “nóng”, “cấp thiết” đối với xã hội nói chung và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững của thế hệ trẻ Việt Nam Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm "Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử"

Việt Nam tự hào là 1 trong 3 nền thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, cả về quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng từ 20% - 35% trong suốt 7 - 8 năm trở lại đây, kể cả trong đại dịch Covid-19. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm. Đáng chú ý, Việt Nam cũng được dự báo sẽ nằm trong Top 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư thương mại điện tử nhất; hay là đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể ngang với bán lẻ truyền thống…

Dù có tốc độ phát triển mạnh mẽ, tiện ích đều được thấy rõ, nhưng nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng trong thương mại điện tử thì cũng không ít, khi người mua không được “sờ tận tay, nhìn tận mắt” sản phẩm, mà chỉ thông qua những cam kết và hình ảnh quảng cáo trên mạng.

Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên thương mại điện tử đang được Bộ Công Thương ưu tiên triển khai, nhất là khi số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, mạng xã hội… đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.

Tại tọa đàm “Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử” do Báo Công Thương phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức ngày 12/12, ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã thông cụ thể về việc các hoạt động thúc đẩy các tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trên thương mại điện tử.

Bộ Công Thương thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trên thương mại điện tử
Bộ Công Thương thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Thưa ông, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian qua, thì chúng ta đang có những chính sách gì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng? Những khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử của người tiêu dùng chủ yếu là gì? Nguyên nhân do đâu?

Cùng với sự phát triển, môi trường thương mại điện tử đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề, tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, trong đó nổi cộm là vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ,...

Theo Báo cáo năm 2022 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia) cho thấy, phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực thương mại điện tử có số lượng nhiều thứ 2 trong tổng số 22 nhóm hàng hóa, dịch vụ được phân loại bởi hệ thống Tổng đài Tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838. Cụ thể, khiếu nại trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2022 có số lượng phản ánh, khiếu nại chiếm khoảng 15%; 10 tháng đầu năm 2023 chiếm khoảng 6% số lượng phản ánh, khiếu nại Ủy ban nhận được. Các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến các hành vi như: Chậm giao hàng; giao không đúng số lượng, chất lượng; hàng bị hỏng hóc, vỡ nát do quá trình lưu kho, vận chuyển; sàn thương mại điện tử không hỗ trợ hoặc chậm hoàn tiền đơn hàng đã huỷ; không hỗ trợ đồng kiểm hoặc giải quyết các trường hợp gian hàng trên sàn chặn liên lạc, không chịu trách nhiệm bồi thường đơn hàng cho người tiêu dùng,...

Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử để cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng với những hình ảnh đã quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử,... Đáng chú ý, tình trạng lợi dụng thương mại điện tử, nền tảng trực tuyến, nền tảng số, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng, người dân cũng đang gây sự nhức nhối, lo lắng trong xã hội và “đau đầu” cho các cơ quan quản lý có liên quan.

Thời gian qua, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay. Hiện, hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử về cơ bản đã được ban hành khá đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như: Ngày 22/1/2019 Ban Bí thư Trung ương đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy định sơ bộ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến, tuy nhiên, các quy định này cần được hoàn thiện, bổ sung để phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay.

Trên cơ sở đó, từ năm 2020, Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau gần 2 năm triển khai xây dựng dự thảo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã chính thức được Quốc hội Khóa 15 thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Bên cạnh đó, ngày 22/6/2023, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (cùng thời điểm hiệu lực với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi) để thay thế cho Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định pháp luật để hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử như: Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về thương mại điện tử, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/09/2021 sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP; Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025;

Như ông vừa chia sẻ, thì sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt có nhiều điểm mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Ông hãy thông tin cụ thể về những điểm mới này?

So với Luật năm 2010, Luật năm 2023 có nhiều quy định mới, đặc biệt các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi trong bối cảnh tình hình mới như quy định về: Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; trách nhiệm công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến; trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và nền tảng số lớn. Theo đó, các chủ thể này phải thực hiện thêm một số trách nhiệm riêng liên quan đến kiểm soát hoạt động của nền tảng, minh bạch hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung và xử lý vi phạm trên nền tảng.

Bộ Công Thương thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trên thương mại điện tử
Ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Bên cạnh đó, Luật năm 2023 còn đưa ra nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Đặc biệt, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng, Luật bổ sung trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ngoài ra, Luật 2023 cũng đưa ra các quy định mới khác, như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, với 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Hay, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, đã bổ sung quy định phân loại 3 nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, gồm nhóm A, nhóm B và nhóm gồm cả A và B. Đối với mỗi nhóm, quy định trách nhiệm tương ứng, phù hợp với mức độ, tính chất khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, đã bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, như khái niệm, các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, được biết trong năm Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trên sàn, website thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số trung gian… Ông thông tin rõ hơn về Bộ Quy tắc này?

Trong giai đoạn 2022-2023, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia), đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Hà Nội (UNDP) xây dựng Bộ Quy tắc hướng dẫn Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong Thương mại điện tử.

Bộ Quy tắc được sắp xếp theo nhóm, chia theo quy trình kinh doanh trong chuỗi cung ứng: (1) nguồn hàng; (2) vận hành; (3) bán hàng; và (4) các vấn đề liên quan khác, bao gồm 10 tiêu chí với các hướng dẫn thực hiện cơ bản. Các hướng dẫn thực hiện cơ bản được chia thành 3 nhóm và đánh giá theo mức độ tuân thủ: Cần làm, Nên làm, và Khuyến khích làm.

Sau khi được hoàn thành, Bộ Quy tắc đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Đặc biệt, nhân Lễ Phát động hưởng ứng Ngày quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 (ngày 15/3 hàng năm), đã có gần 30 doanh nghiệp đã hưởng ứng ký cam kết hưởng ứng thực hiện Bộ Quy tắc này.

Bộ Quy tắc một mặt giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các quy định pháp luật có liên quan để tuân thủ đầy đủ, mặt khác góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.

trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đang trở thành vấn đề “nóng”, “cấp thiết

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực thực thi vào tháng 7/2024, cùng với Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai những hoạt động để các chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo tốt hơn quyền của người tiêu dùng?

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đang trở thành vấn đề “nóng”, “cấp thiết” đối với xã hội nói chung, và các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh này và sự phức tạp, tinh vi trong việc lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo người tiêu dùng như bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, một số phương hướng trong thời gian tới đang được Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia và các cơ quan nhà nước có liên quan quan tâm thực hiện như: Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, quy định có liên quan, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập sâu rộng quốc tế, chuyển đổi số nền kinh tế ở nước ta.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Tích cực đàm phán, tham gia các Hiệp định thương mại tự do; nâng cấp, mở rộng, bổ sung hợp tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến, bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới trong các hiệp định.

Hơn hết, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua đa dạng phương thức như: hội thảo, toạ đàm, đăng tin bài; phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng chuyên mục; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền (giải chạy, mít ting hưởng ứng,…); lồng ghép tuyên truyền; phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3;…

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng trong tiêu dùng cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử như: cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng phòng, tránh các trường hợp lừa đảo, gian dối trên thương mại điện tử, trên không gian mạng bằng các hình thức như đăng tin bài, xây dựng các tài liệu, phóng sự hướng dẫn,…

Chúng tôi sẽ có thêm các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường năng lực tự tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và thương mại điện tử như: Xây dựng và khuyến khích áp dụng chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng (đang được Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện từ năm 2019), bộ tiêu chí, quy tắc ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm trong thương mại điện tử (bộ quy tắc hướng dẫn đã được Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia xây dựng trong năm 2023 và đang được thúc đẩy để doanh nghiệp áp dụng trong thời gian tới).

Cuối cùng là xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục xây dựng các hoạt động, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các giai đoạn tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lan (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương