Thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ trường Bộ Công Thương tại Quyết định số 3110/QĐ-ВСТ ngày 30/11/2023 phê duyệt Kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, Quyết định số 3376/QĐ-BCT ngày 29/12/2023 phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 để rà soát công tác chuẩn bị đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024, Cục Điều tiết điện lực tổ chức Đoàn công tác làm việc với A0 và A1.
Đoàn công tác của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) do ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực làm trưởng đoàn, tham dự buổi làm việc còn có đại diện của Vụ Dầu khí và Than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như đại diện các phòng ban của A0, A1.
Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cao hơn kế hoạch
Báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện Quốc gia 3 tháng đầu năm 2024 đạt ~69,2 tỷ kWh, cao hơn ~1,2 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2024 (68 tỷ kWh) và tăng trưởng ~11,6% so với năm 2023. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về 3 tháng trên hệ thống điện quốc gia đạt ~8,4 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch năm ~0,5 tỷ kWh.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thảo |
Lưu lượng nước về giai đoạn tháng 1-2 tương đương so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, ước tính đến hết tháng 3/2024, lưu lượng nước về tháng 3 suy giảm mạnh trên phạm vi cả nước đặc biệt là khu vực miền Bắc (chỉ đạt 61% so với kế hoạch năm). Lưu lượng nước về kém, một số hồ thủy điện vẫn phải đáp ứng nhu cầu cấp nước hạ du tăng cường (Hàm Thuận - Đại Ninh) dẫn đến mức nước các hồ thủy điện vẫn bị tụt giảm so với kế hoạch. Tổng sản lượng còn lại trong các hồ trên toàn hệ thống cuối tháng 3 ước đạt ~11,1 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch năm ~1.3 tỷ kWh.
Trong tháng 3, A0 đã thực hiện huy động tiết kiệm thủy điện, chủ động làm việc với các UBND tỉnh (985/UBND-KTTH ngày 07/03/2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận, 852/UBND-KT ngày 12/03/2024 của UBND tỉnh Bình Thuận...) để đề nghị phối hợp hỗ trợ giảm lưu lượng cấp nước hạ du phù hợp với nhu cầu phát điện của hệ thống điện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có yêu cầu cấp nước cao hơn so với Quy trình điều tiết liên hồ chứa (hồ Bản Vẽ, Cửa Đạt, A Vương, Sông Bung 4, Đại Ninh, Buôn Tua Srah, Hàm Thuận).
Bên cạnh đó, từ ngày 8/3, A0 đã khai thác tối đa nhiệt điện và tuabin khí trên phạm vi toàn hệ thống để tiết kiệm thủy điện, đảm bảo tối đa mức công suất khả dụng của hệ thống điện trong mùa khô năm 2024. Đối với hệ thống điện miền Bắc, sẽ không bố trí lịch sửa chữa nguồn điện trong giai đoạn tháng 5-7.
Giải pháp dịch chuyển giờ phát điện cao điểm
Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc đề xuất, trong giai đoạn mùa khô, tháng 5-6/2024 có thể dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các thủy điện nhỏ trên hệ thống điện miền Bắc từ các khung giờ 09h30-11h30, 17h00-20h00 sang khung giờ 12h30-15h30, 21h00-23h00 để tăng cường công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc (khoảng ~1700-2200 MW), hạn chế tình trạng quá giới hạn truyền tải đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan (trong trường hợp chưa đóng điện đường dây 500 kV mạch 3), giảm nguy cơ thiếu nguồn vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, A1 cũng chủ trì, mời A0 và các đơn vị liên quan (EVNNPC, EPTC, các đơn vị phát điện...) tham dự hội nghị trực tuyến phối hợp vận hành, triển khai kế hoạch dịch chuyển giờ phát điện cao điểm.
Giai đoạn tháng 7-8/2024 để đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng khung giờ phụ tải tăng cao tại một số thời điểm trong thời gian nắng nóng cực đoạn tháng 7, tháng 8, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà máy thủy điện, cụ thể: Có cơ chế khuyến khích thủy điện nhỏ phát công suất cao vào khung giờ 12h30-15h30, 21h00-23h00 khi các Cấp Điều độ có quyền điều khiển huy động theo yêu cầu để đảm bảo an ninh hệ thống điện; Điều chỉnh, bổ sung linh hoạt khung giờ cao điểm các thủy điện nhỏ được phù hợp tính chất, thành phần phụ tải theo từng khu vực, từng vùng miền trên nguyên tắc đảm bảo đủ số giờ cao điểm theo quy định.
Đồng thời, về giải pháp tiết kiệm điện Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc cho biết sẽ triển khai chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ đến các Tổng công ty Điện lực và các khách hàng, hộ sử dụng điện thực hiện tiết kiệm điện trên phạm vi toàn quốc và tại 3 miền ngay từ các tháng đầu năm 2024.
Tập trung triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu ghi nhận những nỗ lực của EVN, Điều độ quốc gia và Điều độ miền, các đơn vị nguồn điện, đơn vị truyền tải trong những tháng đầu năm 2024 vừa qua trong công tác đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho công tác cung ứng điện miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung mùa khô 2024.
Qua đánh giá, phụ tải thực tế 3 tháng đầu năm ở mức cao, dự báo cả năm 2024 có thể tăng trưởng trên 10%. Tình hình thủy văn dù tương đương so với kế hoạch năm trong tháng 1-2 nhưng có xu hướng kém đi từ tháng 3 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết nắng nóng gay gắt bởi hiện tượng El Nino.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thảo |
Công tác vận hành hệ thống điện được dự báo vẫn đối diện nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ xảy ra các sự cố về nguồn và lưới, do đó cần nâng cao cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra xếp chồng, kéo dài, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống điện.
Kết luận tại cuộc họp Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề nghị EVN, A0, A1 tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần liên tục tăng cường giám sát, đốc thúc các nhà máy điện kết nối hệ thống AGC và sẵn sàng vận hành chế độ điều tần sơ cấp, giúp nâng cao khả năng chống chọi với sự cố của toàn hệ thống điện. Đồng thời, tính toán yêu cầu, điều kiện để đưa ra ràng buộc đối với các nhà máy.
Thứ hai, thường xuyên thực hiện việc thử nghiệm chất lượng điện năng và thử nghiệm việc tham gia điều chỉnh tần số điện áp.
Thứ ba, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực đưa các công trình mới vào vận hành, nâng cao khả năng giải tỏa công suất cho hệ thống.
Thứ tư, A0 và các Điều độ miền tính toán kịch bản cân bằng công suất P-Q để có các kiến nghị đối với EVN cũng như Bộ Công Thương để bổ sung các thiết bị phù hợp.
Thứ năm, việc lập kế hoạch cung cấp điện tháng/tuần/ngày cần bám sát dự báo nhu cầu phụ tải, cập nhật liên tục tình hình các sự cố, tình hình cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện trên toàn hệ thống.
Thứ sáu, phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và miền Bắc xem xét, tính toán, xây dựng phương án bố trí công tác các đường dây giao chéo phục vụ thi công đường dây 500kV mạch 3 phù hợp, hiệu quả.
Thứ bảy, trong cao điểm mùa khô có thể xảy ra các sự cố liên quan đến quá tải đường dây hay điện áp thấp, cần có phương án xử lý sự cố cụ thể đối với từng trường hợp, tổ chức diễn tập xử lý sự cố.
Thứ tám, liên quan đến kiến nghị của A1 về dịch chuyển giờ phát điện cao điểm thủy điện, cần rà soát, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ chín, EVN chỉ đạo A0, A1 phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) làm việc với các Điện lực tỉnh, Sở Công Thương địa phương, đồng thời tăng cường tuyên truyền về vấn đề tiết kiệm điện, triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), đặc biệt tập trung vào các tỉnh lớn, phụ tải cao, có nhiều tiềm năng triển khai chương trình. Tính toán phương án huy động diesel của khách hàng dựa trên thực tế công suất khả dụng nguồn của hệ thống.
Thứ mười, A0, A1 chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện để điều tiết linh hoạt mực nước, vận hành nhà máy hiệu quả.
Thanh Bình
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|