Bộ Công Thương: Nỗ lực hoàn thành cơ chế mua bán điện trực tiếp

(Banker.vn) Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) rất quan trọng. Đây là cơ chế được đánh giá là một chính sách bền vững, lâu dài.
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng cơ chế mua bán điện mặt trời lắp trên mái nhà Xây dựng cơ chế DPPA góp phần phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp, giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, hoàn thiện nội dung cơ chế DPPA.

Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Tích cực xây dựng cơ chế DPPA

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình xây dựng cơ chế DPPA, Bộ đã ban hành các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ. Cụ thể, ngày 21/1/2020, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 544/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thí điểm cơ chế DPPA. Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 710/TTg-CN ngày 11/6/2020, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA và đăng lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 29/10/2021, Bộ Công Thương đã có Công văn số 94/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai xây dựng quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA. Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế DPPA. Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Quyết định trên và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến góp ý từ ngày 9/5/2022.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao về nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA tại các Báo cáo số Báo cáo số 105/BC-BCT ngày 25/7/2023, số 158/BC-BCT ngày 13/9/2023 và số 180/BC-BCT ngày 5/10/2023.

Liên quan đến các mô hình mua bán điện trực tiếp, trong quá trình xây dựng cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đề nghị Tư vấn quốc tế triển khai nghiên cứu các mô hình cơ chế DPPA trên thế giới (bao gồm cả mô hình DPPA vật lý và DPPA tài chính), đánh giá hiện trạng, phân tích tính toán và đề xuất các mô hình phù hợp cho Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo của Tư vấn quốc tế, cân nhắc các tiêu chí đảm bảo tính khả thi vận hành hệ thống điện và phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã rà soát và đề xuất mô hình triển khai cơ chế DPPA. Cụ thể:

Trường hợp 1: Trường hợp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn qua đường dây riêng. Qua rà soát, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã được điều chỉnh đầy đủ tại các văn bản quy phạm pháp luật để các đơn vị triển khai (Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực).

Trường hợp 2: Trường hợp đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng lớn mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia. Trong mô hình này, các quan hệ mua bán giữa các đơn vị được thực hiện theo các nguyên tắc giao dịch: Đơn vị phát điện tham gia thị trường điện và kết nối với lưới điện quốc gia chào bán sản lượng điện vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nhận doanh thu từ thị trường điện với giá thị trường điện giao ngay cho toàn bộ sản lượng điện được huy động.

Khách hàng lớn mua điện từ Đơn vị bán lẻ điện và thanh toán cho đơn vị bán lẻ điện theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ.

Khách hàng lớn và đơn vị phát điện ký kết với nhau Hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (dạng hợp đồng tài chính phái sinh). Theo đó, việc thanh toán của khách hàng lớn và đơn vị phát điện đều phản ánh theo giá thị trường điện.

Tuy nhiên, để triển khai được mô hình này theo Bộ Công Thương cần phải hiệu chỉnh, ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về: Tính toán giá phân phối điện; Tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường lực; Tính toán giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác; Các hợp đồng mua bán điện mẫu (giữa đơn vị phát điện và Kkhách hàng lớn, giữa đơn vị phát điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

Việc xây dựng và ban hành các loại văn bản này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giá bán lẻ cho từng khách hàng lớn phản ánh đúng và đầy đủ các chi phí, tránh gây thất thoát tài sản của nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và các khách hàng khác. Do đó, thời gian áp dụng mô hình phụ thuộc vào tiến độ xây dựng, sửa đổi và hiệu lực các văn bản này.

Hiện tại, các quy định về “giá phân phối điện”, “giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực” đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung vào Luật Giá và đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Nỗ lực đảm bảo triển khai DPPA sớm nhất

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp hiện đã có kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu thực tế tại Việt Nam với căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó, yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, làm rõ thẩm quyền ban hành hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, thẩm định và ban hành theo đúng quy định.

Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ động, phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" để đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát chuyên đề nội dung này.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8144/VPCP-CN ngày 19/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về xem xét ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 19/10/2023 về căn cứ pháp lý triển khai cơ chế DPPA theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực, Bộ Công Thương kính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức Nghị định của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, hoàn thiện nội dung cơ chế DPPA. Đồng thời, Bộ Công Thương đã có Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về DPPA ban kèm theo báo cáo số 202/BC- BCT ngày 24/10/2023 của Bộ Công Thương.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành để đảm bảo triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp; hướng dẫn, theo dõi, giám sát và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính có trách nhiệm: Hướng dẫn các bên tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với nội dung liên quan đến hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch, cơ chế thuế giá trị gia tăng của hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch và các nội dung khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Việt Duy

Theo: Báo Công Thương