Bộ Công Thương: Nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh

(Banker.vn) Bộ Công Thương vừa ban hành Đề án hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh giai đoạn 2024 - 2027.
Giao dịch tập trung kinh tế dần sôi động M&A bất động sản sôi động bất chấp đại dịch Giao dịch M&A: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 1673/QĐ-BCT phê duyệt Đề án hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh giai đoạn 2024 - 2027.

Hoạt động tập trung kinh tế ngày càng trở sôi động

Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, dưới tác động của suy thoái kinh tế tại một số khu vực và những biến động địa chính trị trên thế giới, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có triển vọng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như: Vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, là nền kinh tế đang phát triển với thị trường khoảng 100 triệu dân, có khả năng kết nối chuỗi cung ứng khu vực cao thông qua 19 hiệp định thương mại tự do đang thực thi và một số hiệp định đang đàm phán.

Trước tình hình này, tại Việt Nam, hoạt động tập trung kinh tế bao gồm các hình thức: Mua bán, sáp nhập, hợp nhất, liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngày càng trở nên sôi động. Hoạt động tập trung kinh tế mang đến cho các tập đoàn, doanh nghiệp và quỹ đầu tư phương thức hiệu quả để gia nhập, rút lui thị trường, phát triển hoạt động đầu tư - kinh doanh theo quy định, từ đó nền kinh tế mở rộng quy mô, người tiêu dùng được hưởng lợi do được tiếp cận với đa đạng sự lựa chọn trong tiêu dùng.

Tuy nhiên, song song với những lợi ích nêu trên, hoạt động tập trung kinh tế cũng tiềm ẩn rủi ro về việc hình thành doanh nghiệp, tập đoàn có sức mạnh thị trường đáng kể, từ đó có khả năng kiểm soát, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế, việc quản lý, giám sát, kiểm soát tập trung kinh tế là chiến lược quan trọng, thiết yếu.

Bộ Công Thương: Nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh
Hoạt động tập trung kinh tế ngày càng trở sôi động

Do vậy, Đề án “Hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh giai đoạn 2024 - 2027” là rất cần thiết, nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh trong hoạt động tập trung kinh tế, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu của quá trình thúc đẩy Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi kinh doanh toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, Đề án được xây dựng trên các quan điểm: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; và phù hợp với pháp luật trong nước, thực tiễn, xu hướng, quy mô phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đề án cũng được xây dựng đặt bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, tác động bởi các biến động của khu vực và thế giới, từ đó các giải pháp của đề án phù hợp với cam kết quốc tế tại các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đảm bảo tính thực tiễn của công tác kiểm soát tập trung kinh tế trong sự dịch chuyển liên tục của các dòng vốn kinh doanh toàn cầu.

Đồng thời, thiết lập, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các cấp trong công tác quản lý nhà nước về kiểm soát tập trung kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thẩm định hồ sơ tập trung kinh tế, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch tập trung kinh tế có tác động hoặc có khả năng tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam, từ đó, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng, lành mạnh.

Ngoài ra, việc tăng cường áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ công tác thực thi các quy định về tập trung kinh tế, phù hợp với xu hướng số hóa trong ngành công nghiệp 4.0, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng được áp dụng để xây dựng Đề án.

100% cán bộ điều tra viên cạnh tranh, được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ

Đề án đặt mục tiêu tổng quát: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế, phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng, lành mạnh và minh bạch cho tất cả các chủ thể kinh tế, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển nền kinh tế của đất nước.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan để nâng cao mức độ tuân thủ chính sách và pháp luật của Nhà nước về cạnh tranh nói chung, các quy định về tập trung kinh tế nói riêng.

Bên cạnh đó khuyến khích, tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật cạnh tranh nói chung và các quy định về tập trung kinh tế nói riêng.

Mục tiêu cụ thể được Bộ Công Thương nêu trong Đề án là: Rà soát, đánh giá và hoàn thiện khung khổ pháp lý về kiểm soát tập trung kinh tế phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về cạnh tranh và pháp luật khác, đặc biệt là pháp luật về đầu tư, pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm..., từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực thi các quy định về hoạt động tập trung kinh tế.

Bộ Công Thương cũng hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực thực thi các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh theo hướng: Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; tăng cường công tác giám sát thực hiện các giao dịch đã thông báo tập trung kinh tế; tăng cường công tác điều tra và xử lý hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế nhằm ngăn chặn, chống các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng, lành mạnh.

Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về kiểm soát tập trung kinh tế để quản lý, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu điện tử, có khả năng kết nối với các cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác thực thi pháp luật về tập trung kinh tế; thực hiện phối hợp với các cơ quan, tổ chức ngoài nước để thu thập thông tin tham khảo, hỗ trợ công tác thực thi pháp luật về cạnh tranh đảm bảo định hướng an ninh kinh tế.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, thực thi pháp luật cạnh tranh và các quy định về tập trung kinh tế tới đối tượng là: Các hiệp hội doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương có liên quan đến công tác thực thi pháp luật cạnh tranh, từ đó có sự chuyển biến trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật về cạnh tranh, tăng cường phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc cung cấp thông tin tham vấn phục vụ công tác thẩm định hồ sơ tập trung kinh tế, công tác phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

“100% điều tra viên cạnh tranh, cán bộ, công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực cạnh tranh được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ điều tra vụ việc quy định về tập trung kinh tế, được bồi dưỡng các kiến thức về pháp luật, kinh tế, thương mại và công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu thực thi công tác kiểm soát tập trung kinh tế trong bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0” - Đề án đạt mục tiêu.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương