Bộ Công Thương hướng dẫn đo đạc, kiểm kê khí nhà kính

(Banker.vn) Tại Hội thảo tập huấn, các đơn vị liên quan được hướng dẫn kỹ thuật đo đạc, thẩm định giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.
Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo về cụm công nghiệp Sở Công Thương Gia Lai kêu gọi hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà cho người nghèo Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc

Sáng ngày 20/8, Bộ Công Thương tổ chức ''Hội thảo tập huấn về Hướng dẫn kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính (KNK) ngành Công Thương'' với hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP II).

Mục tiêu của hội thảo tập huấn là nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giám nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và kiểm kê KNK cho cơ quan quản lý địa phương (Sở Công Thương), các cơ sở phát thải KNK thuộc ngành Công Thương, và các đơn vị có liên quan.

Bộ Công Thương hướng dẫn đo đạc, kiểm kê khí nhà kính
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Trần Đình

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, tại hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 năm 2021 diễn ra Glasgow, Vương quốc Anh, Việt Nam đã cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ để chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Để hiện thực mục tiêu tham vọng này, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022.

Trong đó, nguồn lực trong nước sẽ giúp Việt Nam nỗ lực giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2030 và nâng lên 43,5% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế một cách thực chất, hiệu quả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, lĩnh vực năng lượng sẽ giảm 32,6%, lượng phát thái không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Mục tiêu đến năm 2050, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ.

''Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Hội nghị COP26, trách nhiệm ngành Công Thương phải tổ chức, triển khai một cách có hệ thống, đồng bộ các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính bao gồm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn'', bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ được quy định của Nghị định của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho rằng, các cơ quan quản lý của Trung ương, Sở Công Thương các địa phương và các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống nhằm tuân thủ quy định về kiểm kê, đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính. Từng bước kiểm soát và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo quy định và đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải carbon khi lưu thông hàng hóa tại các thị trường lớn trên thế giới.

Hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã ban hành các cơ chế, chính sách không chỉ tác động phát thải các-bon trong nước mà còn điều chỉnh đến các hoạt động phát thải khí nhà kính ở ngoài biên giới, trên phạm vi toàn cầu.

Bộ Công Thương hướng dẫn đo đạc, kiểm kê khí nhà kính
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Trần Đình

Điển hình như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đã và đang tác động đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU như phân bón, sắt thép, xi măng, nhôm. Cơ chế tương tự như CBAM của EU được các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Australia bắt đầu xây dựng và sớm ban hành. ''Để làm chủ được tình hình, các doanh nghiệp cần nắm thật kỹ điểm xuất phát cũng như nhiệm vụ, mục đích giảm phát thải thông qua các đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải và kiểm kê phát thải khí nhà kính'', bà Nguyễn Thị Lâm Giang lưu ý.

Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương được hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính vå thẩm định các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý ở địa phương được trang bị các kiến thức về kiểm kê khí nhà kính và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, làm cơ sở cho các hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Việc nâng cao năng lực về thẩm định kết quả giảm nhẹ khí nhà kính và kiểm kê phát thải khí nhà kính của ngành Công Thương sẽ góp phần quan trọng phục vụ quá trình tham gia thị trường carbon tại Việt Nam trong tương lai.

Bộ Công Thương hướng dẫn đo đạc, kiểm kê khí nhà kính
Buổi tập huấn sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong việc kiểm kê giảm khí nhà kính. Ảnh: Trần Đình

Tai Hội thảo tập huấn, các chuyên gia của Chương trình USAID V-LEEP II đã trình bày phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính, cách thức thu thập số liệu hoạt động, kiểm kê và lập báo cáo kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính. Từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các đại biểu tham dự sẽ cơ hội thực hành các kiến thức và kỹ năng này và được tham vấn với đại diện của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục các hoạt động nâng cao năng lực về giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục