Bộ Công Thương họp triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII

(Banker.vn) Với mục đích triển khai các dự án nguồn điện LNG quan trọng trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất giải pháp thực hiện.
Đoàn công tác Bộ Công Thương thị sát 5 dự án điện khí hoá lỏng LNG Khơi thông chính sách phát triển khí LNG - chìa khóa an ninh năng lượng và phát triển bền vững Chuyên gia kinh tế: Điện khí LNG - phân khúc đầy hứa hẹn

Ngày 24 tháng 6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí đại diện Lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu; Thứ trưởng Đặng Hoàng An; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ Viện Năng lượng và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Mục đích của cuộc họp nhằm thảo luận, thống nhất các giải pháp triển khai các dự án nguồn điện khí LNG quan trọng, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII, phấn đấu đến 2030, các dự án điện khí phải hoàn thành và phát điện thương mại.

Bộ Công Thương họp triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch 8
Toàn cảnh phiên họp về thống nhất giải pháp triển khai các dự án điện khí

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng công suất đặt đến năm 2030 là 150-160 GW (gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Như vậy, để bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là một thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Đặc biệt việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, ammoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa. Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, an ninh năng lượng nói chung và lĩnh vực điện lực nói riêng là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết bởi năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị, an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện chạy nền sẽ gây kết quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia.

"Do đó, việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án quan trọng, ưu tiên cần được thực hiện khẩn trương, hiệu quả, chắc chắn bởi lộ trình thực hiện Quy hoạch điện VIII không còn nhiều, quy mô nguồn điện phải tăng gấp 2 lần và cơ cấu nguồn điện thay đổi căn bản theo hướng sạch hơn, cân bằng, ổn định hơn, trong khi kinh nghiệm triển khai các dự án nguồn điện lớn cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện khá dài và thường chậm hơn so với mốc thời gian đề ra tại các quy hoạch, kế hoạch thực hiện, vì vậy đòi hỏi sự quyết tâm và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương họp triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch 8
Ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình báo cáo về tình hình thực hiện dự án điện khí tại địa phương

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương đã thông tin về tình hình triển khai các dự án điện khí LNG trên địa bàn, đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có vấn đề về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án, thoả thuận đấu nối lưới điện, đàm phán hợp đồng mua bán điện...

Bộ Công Thương họp triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch 8
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu

Các địa phương cũng đánh giá cao sự vào cuộc một cách chủ động, kịp thời của Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo, điều hành cung cấp điện; triển khai quy hoạch cũng như đã hỗ trợ, tạo điều kiện, cùng đồng hành cùng các địa phương, chủ đầu tư để triển khai dự án.

Bộ Công Thương họp triển khai các dự án điện khí trong Quy hoạch 8
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, ý kiến của Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin, làm rõ thêm về các kiến nghị của địa phương, phát biểu kết luận cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Chỉ còn 7 năm để thực hiện triển khai các dự án nguồn điện để đạt được mục tiêu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII với quy mô nguồn tăng gấp đôi hiện nay.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với các dự án đã có chủ đầu tư

- Tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

- Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

- Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng nói chung và khả năng cung ứng điện nói riêng.

2. Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư:

- Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhà máy điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan. Phấn đấu hoàn thành trong qúy III năm 2023.

- Lập và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện sử dụng LNG. Phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2024.

- Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Bộ Công Thương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, vận hành dự án,… bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

- Yêu cầu các nhà đầu tư được lựa chọn khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu trong chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện.

3. Giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định hồ sơ dự án theo quy định ngay sau khi nhận đầy đủ hồ sơ do chủ đầu tư trình.

Bộ Công Thương sẽ chủ động, tích cực phối hợp, đồng hành với các địa phương để triển khai dự án đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Đối với các vướng mắc của địa phương liên quan đến vấn đề quy hoạch, đất đai..., Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương, các bộ ngành, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ kịp thời.

Dũng - Hưng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục