Bộ Công Thương họp tìm giải pháp gỡ khó để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và Hydrogen

(Banker.vn) Sáng 25/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 Bộ Công Thương đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG

Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì. Tham dự cuộc họp có ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các Cục, Vụ của Bộ Công Thương và lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam và gần 20 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Bộ Công Thương cũng đã mời đại diện các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham dự.

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Cục, Vụ báo cáo các nội dung chính của dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, kế hoạch phát triển các dự án điện khí, điện gió theo Quy hoạch điện 8, những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để có thể thực hiện mục tiêu mà kế hoạch Quy hoạch điện VIII đề ra và góp ý cho dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen.

Định hướng, nhiệm vụ cấp bách phát triển hệ sinh thái năng lượng mới

Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu nhằm phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Cụ thể, sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen.

Phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh và quá trình khác có thu giữ các-bon đạt 100 - 500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.

Dự thảo đề xuất định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, trong đó đáng chú ý:

Phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 đẩy mạnh triển khai áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Liên quan đến phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW); Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý).

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp

Nhiệm vụ nặng nề, thời gian gấp, thiếu cơ chế thực thi, tiềm ẩn rủi ro cao

Báo cáo tại cuộc họp Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm: lựa chọn nhà đầu tư, Lập, phê duyệt FS, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết: Hiện chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện….tất cả các vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí.

“Cho đến nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan. Như vậy, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam.”- ông Phong nhấn mạnh.

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết: Ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII thuộc trách nhiệm của PVN đều đang được triển khai, tuy nhiên do thiếu các cơ chế chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.

Ông Hùng đã lấy dẫn chứng, đối với điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước, lợi ích của nhà nước rất lớn, 1kWh nhà nước thu gần 50% các loại thuế, phí... trong khi cơ chế chưa đầy đủ khiến rủi ro cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Nói về điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho hay, do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi như: Khảo sát đáy biển, điều tra...và điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Chuyên gia kinh tế hiến kế loạt giải pháp nóng và cơ chế đặc biệt

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Công Thương trong triển khai nhiệm vụ, tham vấn các chuyên gia, cơ quan quản lý song các ý kiến chuyên gia phát biểu tại hội thảo cũng nêu bật những khó khăn, thách thức mà nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp cấp bách, kịp thời, đặc biệt, những nhiệm vụ, mục tiêu lớn về phát triển năng lượng rất khó hoàn thành khi mà toàn ngành Công Thương phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều thống nhất chung ý kiến đó là cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực,….), văn bản quy phạm pháp luật và liên quan đến nhiều Bộ, Ngành, địa phương do vậy, Bộ Công Thương cần có báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải pháp kịp thời.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để cho xã hội và các cơ quan quản lý hiểu được sự quan trọng, cần thiết trong triển khai các vấn đề trên cũng như thực tế những gì đang vướng mắc.

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
TS Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Thời gian qua Bộ Công Thương đã quyết liệt, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ quản lý của ngành. Tuy nhiên đây là vấn đề khó cần có sự tham gia của các Bộ, ngành. Do đó, cần lập nhóm chuyên gia của các Bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành cùng với các chuyên gia độc lập để có đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế không xây dựng các ăn bản quy pham pháp luật đơn lẻ.

TS Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đánh giá cao Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp trên. Góp ý về dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TS Tạ Đình Thi cho rằng: Chiến lược cần đặt trong chiến lược tổng thể năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, trong dự thảo Chiến lược chưa có hiện diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường- đây là cơ quan quản lý, tham mưu xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu…

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần thiết phải phê duyệt Chiến lược sản xuất hydrogen, phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tăng thêm sự hiểu biết cho xã hội nhất là lãnh đạo có thẩm quyền quyết định thì mới đẩy nhanh tiến độ được. Những cam kết quốc tế phải được thực hiện nhanh chóng, trong thời buổi cấp bách, cách tiếp cận về chính sách, thái độ về công việc cũng cần phải được tiếp cận theo cách khác.

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
PGS.TS Trần Đình Thiên- Chuyên gia kinh tế

Dẫn chứng kinh nghiệm thực tiễn tham gia các tổ công tác thời kỳ đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như tham gia tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”. Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, theo TS Lê Đăng Doanh, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm. Mà trước hết đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn. Đồng thời cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế- năng lượng…để giải quyết. Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác…

Bộ Công Thương họp tìm giải pháp cơ chế cho điện khí, điện gió ngoài khơi và chiến lược Hydrogen
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam

Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã nhấn mạnh: Nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế. Chúng ta phải xác định rõ, nếu áp dụng như vậy thì 2 vấn đề sẽ xảy ra đó là EVN thua lỗ và phá sản, hoặc nhà nước phải cấp bù phần giá chênh, hoặc phải có chính sách giảm thuế, giảm phí… làm sao để đảm bảo EVN không bị lỗ do giá bán thấp hơn giá mua. Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Đầu vào thị trường, đầu ra Nhà nước nói không tăng giá thì muôn đời không làm được. Do vậy tôi đề nghị sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió.

Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần phải có một liên kết triệt để liên quan đến các vấn đề triển khai nền tảng, trong đó có các vấn đề đã đặt ra, đã trao đổi ở các diễn đàn khác nhau. Cần phải có nghị quyết triệt để của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý. Như trao đổi hôm nay thì phải sửa đổi, bổ sung hầu hết từ Luật đầu tư đến Luật điện lực, Luật giá, đấu thầu... Nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu. Bộ Công Thương với tư cách là đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có một nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng trong đấy có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG…

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn và mong muốn đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế - tài chính - năng lượng đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục đồng hành, đóng góp ý kiến trong việc tháo gỡ khó khăn để phát triển 2 nguồn điện khí, điện gió ngoài khơi cũng như Hydrogen nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền cao hơn để có cơ chế chính sách giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong khi các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa sửa đổi được.

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục