Bộ Công Thương đưa nhiều giải pháp cung cấp điện năm 2024

(Banker.vn) Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện năm 2024.
Chủ động kế hoạch cấp điện chống hạn và xâm nhập mặn EVN đưa ra các kịch bản cho cấp điện năm 2024

Đảm bảo điện những tháng cuối năm 2023

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12) của năm ước đạt 95,6-97,2 tỷ kWh, tăng trưởng từ 9,9%-11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng từ 5,1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.

Về cân đối điện năng, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp v.v… phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.

Để đảm bảo cấp điện những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5206/BCT-ĐTĐL yêu cầu EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam và Chủ đầu tư các NMNĐ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm:

Đối với EVN:

- Chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các Đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh cung cấp điện thời gian tới.

- Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị truyền tải điện tăng cường công tác ứng trực, kiểm tra, rà soát lưới điện truyền tải thuộc quyền quản lý nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các bất thường thiết bị, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố hoặc phải tách thiết bị ra khỏi vận hành; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của lưới truyền tải điện.

- Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Công Thương trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện, đặc biệt ở khu vực miền Bắc.

EVN, PVN, TKV và các đơn vị phát điện chỉ đạo tất cả các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; đảm bảo vật tư dự phòng cho các thiết bị của nhà máy điện; đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày; khẩn trương khắc phục các sự cố ngắn ngày.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện. Các Tổng công ty phát điện, các nhà máy điện bám sát các đơn vị cung cấp than để được cung cấp than liên tục ổn định trong các tháng còn lại năm 2023, không để tình trạng thiếu than, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động sản xuất điện.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Chủ đầu tư nhà máy điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện.

Các giải phá cung ứng điện năm 2024

Theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung-cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%) với 2 kịch bản lưu lượng nước về: i) bình thường (tần suất nước về 65%); ii) cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào v.v...).

Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng. Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6&7/2023.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 như sau:

Các giải pháp về vận hành

a) EVN, các Tổng công ty Phát điện, các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc: (i) Chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và làm rõ trách nhiệm các Bên trong việc cung cấp than để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán than theo quy định và tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật; (ii) Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo sự chủ động trong việc khai thác, nhập khẩu than của các đơn vị tham gia cung ứng than.

b) EVN, PVN, TKV, các Tổng công ty Phát điện, các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than: (i) Tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019, chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, cũng như hạ tầng tiếp nhận than; (ii) Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị. Đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống; Đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày.

c) Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.

d) EVN/A0 chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng. Đồng thời tăng cường chất lượng dự báo diễn biến thời tiết, nhất là các yếu tố thời tiết dị biệt.

đ) Các Chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; sử dụng tiết kiệm tối đa lượng nước xả từ các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc phục vụ cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân hàng năm.

Bộ Công Thương đưa các giải pháp cung cấp điện năm 2024

Các giải pháp về đầu tư xây dựng

a) Thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái ở những khu vực điều kiện kỹ thuật lưới điện cho phép (khu vực miền Bắc, các khu đô thị, khu/cụm/nhà máy công nghiệp, các khu công sở, trường học, bệnh viện v.v…). Việc phát triển này phải được triển khai đồng bộ, có sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về xây dựng, điện lực, phòng cháy chữa cháy v.v…

b) EVN/EVNNPT đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, đặc biệt là công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối.

c) EVN và các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.

d) Chủ đầu tư chủ động hoàn thiện các thủ tục pháp lý, EVN chủ động phối hợp với các Chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo cùng với các nguồn điện khác.

đ) Các Chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đầu tư các dự án nguồn điện đang triển khai xây dựng như Ialy mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3&4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, chú trọng đến các dự án năng lượng trong danh mục ưu tiên.

Giải pháp về tiết kiệm điện

Phối hợp với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Giải pháp đồng bộ, dài hạn

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Kế hoạch này được phê duyệt.

- Triển khai thực chất, đầy đủ các nội dung có liên quan với các đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng JETP.

- Hoàn thiện khung khổ pháp lý về điện lực, trước mắt tập trung vào việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi v.v...

Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu về cấp điện năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương kính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, sớm xây dựng Kế hoạch xả nước đổ ải phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân năm 2024 theo hướng sử dụng tiết kiệm tối đa, hiệu quả nguồn nước xả từ các nguồn thủy điện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn EVN, các Chủ hồ chứa thủy điện trong việc điều tiết linh hoạt, tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng cho hệ thống điện; Phối hợp với các Chủ hồ chứa thủy điện tăng cường chất lượng dự báo diễn biến thời tiết, nhất là các yếu tố thời tiết dị biệt; Hướng dẫn các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than vận hành các nguồn nhiệt điện than đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần i) Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; ii) Tăng cường thực hiện nghiêm, tích cực Chỉ thị Tiết kiệm điện trên toàn quốc; iii) Sớm có quyết định đối với các công trình nguồn điện đã có chủ đầu tư, tuy nhiên, chậm triển khai công tác đầu tư xây dựng; iv) Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt (Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình điện đã được phê duyệt).

Đình Dũng

Theo: Báo Công Thương