Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Những năm vừa qua, xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Đóng góp cho thành tích đó là rất nhiều sản phẩm hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm hàng hoá của vùng núi, vùng còn khó khăn, có thể kể đến như vải thiều Lục Ngạn, nhãn và xoài của Sơn La... Để đạt được những thành tích đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai những cơ chế chính sách gì để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa tiếp cận được cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu?
Nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, có thể thấy rằng công tác xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,22 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp của các sản phẩm miền núi như nhãn, xoài, vải…
Trong bức tranh đó, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Đây là việc rất quan trọng và rất cần sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp. Đây cũng được đánh giá là một trong những điểm yếu vì các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp miền núi, HTX chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Do đó, Bộ Công Thương đã mở các chương trình tập huấn online để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tận dụng thương mại điện tử và các công nghệ đã góp phần quan trọng giới thiệu hàng hóa của chúng ta nói chung và nông sản miền núi nói riêng ra thị trường nước ngoài.
Trong Báo cáo xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương xuất bản thường niên, có thể thấy các địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Bắc Giang… đang giữ những vị trí khả quan về xuất nhập khẩu. Việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của đồng bào dân tộc không thể thiếu nỗ lực của các địa phương. Ông đánh giá gì về hiệu quả những chính sách của các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu?
Bắc Giang là điểm sáng tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều |
Thời gian qua, các địa phương đã có sự chủ động nhất định trong việc hỗ trợ cho bà con nông dân, từ lựa chọn giống cây trồng, quyết định giống cây trồng cũng như canh tác và tiêu thụ.
Đối với nông sản xuất khẩu thì vai trò của xúc tiến thương mại là rất quan trọng. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ, đồng hành với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để có thể giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương ra nước ngoài.
Có 3 điều kiện gắn với việc duy trì hiệu quả hoạt động xuất khẩu một cách bền vững. Đó là yếu tố chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ngay với thị trường lớn nhất là Trung Quốc thì việc thay đổi các yêu cầu của thị trường vài năm gần đây là rất rõ. Những yêu cầu về chất lượng, bao bì, dán nhãn… Trung Quốc có những quy định rất chặt chẽ.
Bên cạnh đó, vấn đề sản lượng cũng là yêu cầu phải đáp ứng. Với những trái cây, nông sản có đặc thù nhất định nhưng sản lượng không đáp ứng đủ thì cũng sẽ rất khó để giới thiệu ra thị trường nước ngoài.
Đồng thời, khâu xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều địa phương đã tham gia vào việc xây dựng thương hiệu bằng các giải pháp như xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ví dụ như trái vải Lục Ngạn đã tương đối thành công ở khía cạnh nhận diện trong nước, nhưng khi ra đến nước ngoài thì chưa phải đã xác định được tốt thương hiệu.
Các địa phương khác như Sơn La hiện nay sở hữu số lượng nông sản khá lớn như xoài, nhãn, mơ, mận… nhưng quy mô còn nhỏ và chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đẩy mạnh được quảng bá. Do đó còn khó khăn hơn vải của Bắc Giang hay nhãn của Hưng Yên.
Tuy nhiên, nhìn chung, chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động của các địa phương và thời gian tới, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ các HTX, người nông dân và các địa phương trong tương lai.
Phải nói là việc kết nối cung cầu hay đưa sản phẩm của đồng bào miền núi xuất khẩu ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông nhận định gì về những khó khăn này và thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp ra sao để hỗ trợ bà con, các hợp tác xã và doanh nghiệp để việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá được thuận lợi hơn?
Xuất khẩu nông sản có một thuận lợi là đó là mặt hàng thiết yếu và thị trường thế giới cần. Dù nhu cầu thế giới hiện nay đang đi xuống nhưng điểm thuận lợi là các mặt hàng như gạo, một số loại nông sản khác thì lại có nhu cầu tương đối cao.
Thuận lợi nữa là ta có một diện tích và dải sản phẩm tương đối dồi dào, từ cây lương thực, ăn quả đến thủy sản, nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành một trong những cường quốc về nông sản.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với những khó khăn đến từ bên ngoài như thị trường hay những khó khăn nội tại. Đối với nông sản miền núi, khó khăn lớn nhất là tiếp cận được thành tựu về công nghệ. Bên cạnh đó, điều kiện phát triển diện tích cũng gặp khó khăn. Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cũng gặp khó.
Trước những khó khăn đó thì thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã giành những sự quan tâm đặc biệt đến các địa phương khu vực miền núi để làm sao vừa phát triển những sản phẩm mang tính đặc thù và có những chương trình xúc tiến để giúp các địa phương xây dựng được hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm của mình tốt hơn, không chỉ miền Bắc mà cả miền Trung Tây Nguyên – nơi có những sản phẩm đặc trưng có nhiều thế mạnh.
Ngoài ra, việc chúng ta tận dụng được những lợi thế của các FTA cũng là điều quan trọng. Hiện ta đang có 15 FTA đang thi hành và có hiệu lực. Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là giải pháp để giúp các địa phương miền núi có thể đưa các sản phẩm nông sản của mình ra thị trường nước ngoài dễ hơn.
Phải khẳng định rằng, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng là cần thiết, song sự nỗ lực tự thân của các địa phương cũng quan trọng không kém. Vậy, từ những kinh nghiệm thời gian qua, ông có khuyến nghị gì với các địa phương, doanh nghiệp, HTX để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu của khu vực này?
Phải khẳng định, vai trò của địa phương, Hiệp hội và HTX là rất quan trọng trong giúp người nông dân phát triển sản xuất bài bản, chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Bài học của Bắc Giang là bài học cho nhiều địa phương cả nước trong việc vai trò của chính quyền trong quy hoạch, định hướng và xuất khẩu. Kinh nghiệm của Bắc Giang cũng là điều chúng tôi thường chia sẻ lại với nhiều địa phương, kể cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có rất nhiều loại nông sản thế mạnh của cả nước.
Bài học của Bắc Giang chính là sự chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời là sự chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp cận, từ đó mới tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các Bộ ngành.
Bên cạnh đó là vai trò của hiệp hội trong việc tập hợp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành hàng; chia sẻ kinh nghiệm, cùng quảng bá và xúc tiến thương mại.
Cuối cùng, người sản xuất, người nông dân dù có điều kiện tiếp cận thông tin khó hơn nhưng hiện nay có rất nhiều kênh để tiếp cận. Cho nên các địa phương, hiệp hội, ngành hàng phải có giải pháp ra sao để hỗ trợ người nông dân tiếp cận thông tin nhanh nhất, nhiều nhất. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và xuất khẩu các sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan thực hiện
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|