Bộ Công Thương đề nghị tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thiết yếu

(Banker.vn) Trước tình trạng khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu đúng và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh cho phép lưu thông khi thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu.

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 4481/BCT-TTTN ngày 27/7/2021 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu đúng và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Do đó, tiếp theo Công văn số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trên cơ sở kiến nghị của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh cho phép lưu thông khi thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu.

Cụ thể, nhóm hàng thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục tại Phụ lục II, Phụ lục III và mục 3,4,5,6,7,8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm).

Thứ hai, nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…)

Thứ ba, nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng (xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…)

Ngoài ra, các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Cũng trong chiều 27/7, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Việc này nhằm tránh việc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về danh mục hàng hóa thiết yếu khi áp dụng Chỉ thị số 16.

Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông (Đây là danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật). Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Lan Phương

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương