Bộ Công Thương chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường

(Banker.vn) Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi nói về những nỗ lực bảo vệ ngành mía đường Việt Nam của Bộ Công Thương tại Hội thảo "Để mía không đắng", tổ chức sáng ngày 10/11 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Lợi ích của doanh nghiệp và người trồng mía được nâng cao

Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam - thay mặt công ty, ngành mía đường, hàng nghìn nông dân cảm ơn Bộ Công Thương ban hành quyết định chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan và khẳng định đây là "phao cứu sinh" cho ngành mía đường.

“Ngành công nghiệp mía đường hiện tại bị ảnh hưởng bởi Hiệp định ATIGA, nhập khẩu đường không hạn ngạch trong khu vực ASEAN. Trong đó, đường Thái Lan được hậu thuẫn, bán phá giá. Nhờ quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, vụ ép mía năm nay sôi động, giá mía nguyên liệu cao nhất lên đến 1,4 triệu/tấn. Theo đó, nông dân trồng mía có lãi, cạnh tranh được với cây trồng khác, ngành đường có thể đạt mục tiêu 2 triệu tấn/năm.​​​​​” - ông Tùng cho biết.

Bộ Công Thương chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường
Đầu cầu hội thảo trực tiếp từ tỉnh Phú Yên

Đồng ý kiến, nông dân Võ Văn Út - ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên - nói, ông trồng mía đã nhiều năm, giai đoạn năm 2008-2012 rất thuận lợi, nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía. Đến giai đoạn 2015-2019 thì điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém. Đến niên vụ 2020-2021 thời tiết thuận lợi hơn, đặc biệt, quyết định chống bán phá giá, trợ cấp từ Thái Lan của Bộ Công Thương ban hành khiến nông dân yên tâm sản xuất. Nông dân trồng mía có lãi, cạnh tranh được với cây trồng khác, ngành đường có thể đạt mục tiêu 2 triệu tấn/năm. Tuy vậy, ông Út cũng muong muốn Bộ Công Thương tiếp tục rà soát đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng việc đi đường vòng qua các nước, đổ về Việt Nam với giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, hỗ trợ điện nội đồng để thuận lợi tiện tưới tiêu giữa bối cảnh giá xăng dầu cao cũng như sửa sang lại đập thủy lợi, đủ nước. "Nông dân chúng tôi hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN. Chúng tôi tiếp cận nông nghiệp 4.0 qua điện thoại thông minh, máy tính" - ông Út cam kết.

"Bộ Công Thương đã dành rất nhiều sự quan tâm cho ngành mía đường, đặc biệt là việc ban Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sau đó, vào ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan. Những hành động quyết liệt này đã giúp ngành mía đường hồi phục, giá mía giai đoạn cuối vụ tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn" - TS. Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Bộ Công Thương đồng hành với bà con trồng mía. Bộ Công Thương rất chủ động, có kinh nghiệm trong áp dụng chống bán phá giá, tạo được hiệu quả tức thì trên thị trường.

Còn ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa lại nếu quan điểm về việc lan tỏa tín hiệu tích cực từ cây mía. Theo ông Ngữ, tình hình thâm hụt nguồn nguyên liệu chính là bài toán đặt ra để doanh nghiệp sản xuất mía đường có cơ hội, an tâm, mạnh dạn đầu tư cho bà con nông dân. "Chúng tôi cần sự đồng hành, chung tay của Chính phủ, bộ - ngành, ngân hàng, địa phương... với tinh thần hướng đến cái chung thay vì cạnh tranh cục bộ, chia sẻ giá trị với nhau. Cần lan tỏa tín hiệu tích cực từ những giá trị thu được từ cây mía, cây mía là cây làm giàu..." - ông Ngữ nói.

Về giải pháp, ông Ngữ nêu vấn đề, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành bổ sung cho sản phẩm đường. Muốn làm được, DN phải tích lũy, chấp nhận đầu tư, rủi ro. Chúng tôi không những đẩy mạnh vùng nguyên liệu, sản xuất đường mà còn sản xuất chiều sâu như sản xuất sản phẩm nước mía, ethanol, phân hữu cơ và điện. Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, bán lẻ đêt tiết giảm khâu trung gian, chi phí cho người trồng mía, doanh nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ như xuất khẩu đường organic, đường phèn...

Các biện pháp mà Bộ Công Thương liên tiếp triển khai trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường (thể hiện qua số liệu nhập khẩu trong các tháng vừa qua) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhập khẩu mặt hàng đường, góp phần bảo hộ ngành mía đường trong nước.

Chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường

Khẳng định mía đường là ngành được Chính phủ đặc biệt quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, đây là ngành nhận được sự hỗ trợ phát triển từ những năm 90, Chính phủ đã nỗ lực bảo vệ ngành này trước sự cạnh tranh của quốc tế trong suốt 25 năm vừa qua và phải đến năm 2020, Việt Nam mới mở cửa thị trường đường cho các nước.

“Chúng ta có thể thấy, khi tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN, gia nhập ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô, xe máy, dệt may, giày dép, nông sản, thịt… đều về 0-5% và chỉ còn 2-3 mặt hàng được bảo hộ, trong đó có mặt hàng đường. Cho đến nay, trừ Hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Việt Nam không mở cửa mặt hàng đường với bất kỳ Hiệp định nào khác, kể cả với WTO hay các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… Và tới năm 2021, hạn ngạch nhập khẩu đường vẫn chỉ ở mức chỉ trên 100.000 tấn, chưa đầy 5% trong tổng sản lượng tiêu thụ cả nước” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại đầu cầu Bộ Công Thương

Việc mở cửa cho ASEAN là do có quyết định thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong một cộng đồng, về nguyên tắc sẽ không duy trì bất kỳ rào cản nào đối với dòng chảy thương mại. Và cộng đồng này được đàm phán thống nhất thành lập từ năm 2005 (tức là cách đây 15 năm). Vào thời điểm đó, khi đàm phán về thuế quan, đã cam kết đến 1/1/2018 mở cửa. Nhưng thực tế, càng gần tới mốc 2018, chúng ta càng lo lắng vì sự biến chuyển tương đối ít, năng suất chất lượng vẫn thấp, canh tác lạc hậu.

Do đó, năm 2017, Bộ Công Thương chủ trì họp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trao đổi về thực trạng ngành mía đường và giải pháp ứng phó. Sau đó Bộ Công Thương có đề xuất Chính phủ giãn tiến độ thực thi ATIGA lùi lại 2 năm so với cam kết, đồng thời nỗ lực thuyết phục các nước ASEAN đồng ý, không có trừng phạt nào với Việt Nam.

Khi hết thời hạn lùi, bắt buộc mở cửa từ ngày 1/1/2020, đường giá rẻ Thái Lan tràn vào và chỉ 9 tháng sau, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã thu thập số liệu. Ngay sau đó Bộ Công Thương khởi động điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đến tháng 2/2021, Bộ Công Thương quyết định đánh thuế tạm thời và đến tháng 6/2021 đánh thuế chính thức ở mức 47,64%.

Chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì đầu cầu tại Bộ Công Thương. Tham dự còn có đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại

“Đây là một quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành đường ASEAN cũng như ngành đường thế giới bởi chưa có nước nào đánh thuế với đường. Nói vậy không phải để bảo hộ đường trong nước mà là lập lại môi trường cạnh tranh”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng lường trước việc chúng ta đánh thuế chống bán phá giá đường Thái Lan thì sẽ có khả năng đường nước này sẽ đi vòng qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị VSSA nghiên cứu tình trạng này, đến tháng 9/2021 vừa qua - tức sau 3 tháng Việt Nam đánh thuế, trên cơ sở đề nghị chính thức của VSSA, Bộ Công Thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN vào Việt Nam. Sắp tới sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật.

Về bước đi cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân. Mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam

Tuy nhiên, giải pháp phải cân đối được quyền và lợi ích hợp pháp. Từ đó, Bộ Công Thương đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Nông dân không làm mía có thể làm cái khác có hiệu quả hơn, để không quá phụ thuộc nhà máy đường. Nhưng, nhà máy không có mía chắc chắn phá sản, do đó các nhà máy phải coi nông dân là khách hàng, hợp tác trên tinh thần cao nhất để họ tiếp tục đồng hành với mình. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua 1 triệu đường/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu, đổ lỗi cho hội nhập làm chúng ta khó khăn. Bởi, mới mở cửa 9 tháng làm sao khiến ngành đường khó khăn như hiện tại được. Phải nhìn nhận đúng để Nhà nước ra chính sách đúng đắn cho ngành đường, nếu không sẽ thiết kế sai chính sách.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục