Bộ Công Thương ban hành quy định mới về bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí

(Banker.vn) Bộ Công Thương vừa có Thông tư số 16/2024/TT-BCT (ngày 16/9/2024) quy định về bảo quản và huỷ bỏ giếng khoa dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.
Bộ Công Thương hoàn thiện chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững Bộ Công Thương đặt mục tiêu sản xuất hộp số, động cơ cho ô tô tại Việt Nam Bộ Công Thương làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm sạc xe điện

Thông tư này của Bộ Công Thương quy định về bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí, thu dọn công trình dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí, thu dọn công trình dầu khí tại Việt Nam.

Theo đó, bảo quản giếng là sử dụng dung dịch phù hợp, gia cố các nút chặn và lắp đặt các thiết bị trong giếng nhằm đảm bảo cho giếng khoan được an toàn trong một thời gian nhất định và sau đó có thể tiếp tục các công việc thăm dò, thửa vỉa và khai thác một cách thuận lợi. Huỷ bỏ giếng là việc thu hồi các thiết bị lòng giếng, gia cố các nút xi măng, đặt nút cơ học, cắt bỏ và thu hồi một số đoạn ống trong giếng khoan, thu dọn các vật cản (nếu có) xung quanh miệng giếng, đầu giếng.

Bộ Công Thương ban hành quy định mới về bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí
Ảnh minh hoạ

Liên quan đến bảo quản và huỷ bỏ giếng khoan dầu khí, Thông tư 16/2024/TT-BCT quy định, căn cứ vào tình trạng giếng, các giếng cần bảo quản được chia làm 3 loại. Loại 1 là giếng khoan cần bảo quản lâu dài (từ 3 năm trở lên); loại 2 giếng khoan cần bảo quản tạm thời (từ 1 năm trở lên); loại 3 là giếng bảo quản ngắn hạn (dưới 1 năm).

Người điều hành có trách nhiệm đưa giếng bảo quản loại 1 vào hoạt động hoặc huỷ bỏ giếng trong khoảng thời hạn cho phép bảo quản nhưng không quá 6 năm kể từ ngày bảo quản.

Liên quan đến huỷ bỏ giếng khoan dầu khí, giếng được huỷ bỏ phải đảm bảo được tính toàn vẹn của lòng giếng, không để xảy ra tình trạng lưu thông chất lưu giữa các thành hệ với nhau hoặc bề mặt đáy biển, mặt đất.

Thông tư 16/2024/TT-BCT cũng quy định về công tác bảo vệ môi trường khi tiến hành thu dọn công trình dầu khí cần có quan trắc môi trường cho hoạt động thu dọn; có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có công trình dầu khí về kế hoạch, nguồn lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình thu dọn công trình dầu khí.

Việc để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 45/2023/NĐ-CP.

Thông tư 16/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 4/11/2024 và thay thế Thông tư số 17/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật được viện dẫn tại Thông tư 16/2024/TT-BCT có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

Trường hợp công tác bảo quản và huỷ bỏ giếng đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực, người điều hành, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 17/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục