Bộ Công an thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC

(Banker.vn) Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan do Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC và đồng phạm thực hiện.

Thông báo của Bộ Công an về kết quả điều tra, xử lý vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC cho biết, quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định, trong thời gian từ ngày 26/5/2017 - 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723.322.534.069 đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi phạm tội và ra Quyết định khởi tố đối với 20 bị can, gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thanh Phương, Nguyễn Thị Thu Thơm, Bùi Ngọc Tú, Trần Thị Lan, Quách Thị Xuân Thu, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Văn Nam, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Hồng Dung, Trịnh Thị Thanh Huyền, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Huệ, Đỗ Thị Huyền Trang về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo khoản 2 Điều 211 BLHS năm 2015.

Bộ Công an thông báo kết quả điều tra, xử lý vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC

Cũng theo thông báo của Bộ Công an, trong thời gian từ năm 2014 - 2016, thực tế các cổ đông chỉ góp 1.197.511.082.182 đồng vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng Faros nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống 3.102.488.917.818 đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng; sau đó, đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) để bán chiếm đoạt 3.620.722.083.518 đồng của các nhà đầu tư.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi phạm tội và ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với 4 bị can, gồm: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung; ra Quyết định khởi tố bị can đối với 01 bị can Nguyễn Thiện Phú về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 28/10/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 34/KL-VPCQCSĐT và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và đồng phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 211 và khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 200 Cơ quan CSĐT Công an các cấp thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, ghi lời khai đối với các nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS.

Bộ Công an yêu cầu UBCKNN nhận diện và lập danh sách “đội lái”

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 21 bị can.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT thấy rằng, thị trường đang có các sơ hở, thiếu sót của quy định pháp luật về hoạt động chứng khoán để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, hiện nay, việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và không kiểm soát, các đối tượng đã lợi dụng thuê, nhờ người khác đứng tên mở tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Ngoài ra, việc kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở, các đối tượng đã lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật, ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định nhằm thu lợi; từ đó, các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán, thu lợi bất chính.

Cơ quan CSĐT cũng cho rằng, tội phạm "Thao túng thị trường chứng khoán" diễn ra rất tinh vi, có tính tổ chức, phức tạp, liên quan nhiều đối tượng, ảnh hưởng lớn đến thị trường và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, chính sách quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định mức phạt đối với loại tội phạm này còn thấp: Phạt tiền cao nhất 4 tỷ đồng, phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, thời hạn điều tra tối đa 8 tháng, thời hạn tạm giam để điều tra tối đa 5 tháng, gây khó khăn cho công tác điều tra và không đảm bảo răn đe, phòng ngừa.

"Việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội, để các đối tượng lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Hiện nay, chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư tham gia mua bán các mã chứng khoán trong các giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại”, Cơ quan CSĐT nêu.

Cơ quan CSĐT đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, trong đó tập trung giao dịch các mã cổ phiếu có dấu hiệu biến động giá mạnh chạm tiêu chí giám sát do các sở giao dịch chứng khoán chuyển nhượng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém hoặc chuyển từ lỗ thành lãi.

"Kịp thời nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội, nhóm online, diễn đàn, mạng xã hội, có biến động giá thuộc tiêu chí giám sát của sở giao dịch chứng khoán để xử lý nghiêm", Cơ quan CSĐT kiến nghị.

Cơ quan CSĐT cho rằng, UBCKNN cần xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng, theo quy định tại khoản 1, điều 34, Nghị định số 156 đối với các cá nhân, pháp nhân.

Cơ quan CSĐT đồng thời đề nghị Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán; các hoạt động đăng ký, niêm yết, phát hành đầu tư, giao dịch cổ phiếu.

Chứng khoán BOS (ART): Thấy gì từ báo cáo tài chính của trụ cột một thuở "nhà FLC"?

Sau một thời gian dài chậm trễ khiến cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HNX, Công ty CP Chứng khoán BOS ...

FLC bị UBCKNN phạt gần trăm triệu đồng do vi phạm công bố thông tin

Ngày 3/10, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBNCKNN) thông tin đã ban hành Quyết định số 302/QĐ-XPHC về việc xử phạt 92,5 ...

Tập đoàn FLC bị cưỡng chế hơn 81 tỷ đồng tiền thuế

Cục Thuế TP. Hà Nội có văn bản gửi 19 ngân hàng yêu cầu trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC mở tại ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán