BIS/IMF/WB: Hợp tác quốc tế là cần thiết cho các CBDC để nâng cao dịch vụ thanh toán xuyên biên giới

(Banker.vn) Các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có tiềm năng nâng cao hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới, miễn là các quốc gia hợp tác với nhau. Đây là kết luận chính của một báo cáo chung mới được được Ủy ban Thanh toán và Cơ sở hạ tầng Thị trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Báo cáo phân tích cách các CBDC có thể tạo điều kiện tăng cường thanh toán xuyên biên giới và các nỗ lực thực tế để hiện thực hóa những nhận định này như thế nào. Việc tạo thuận lợi cho thanh toán quốc tế với các CBDC có thể đạt được thông qua các mức độ hội nhập và hợp tác khác nhau, từ khả năng tương thích cơ bản với các tiêu chuẩn chung đến việc thiết lập cơ sở hạ tầng thanh toán quốc tế. Phân tích nhấn mạnh cả nhu cầu hợp tác đa phương về các hệ quả tài chính vĩ mô cũng như tầm quan trọng của khả năng tương tác giữa các CBDC.

Cho đến nay, chưa có cơ quan pháp định nào ban hành chính thức đồng CBDC và nhiều quyết định về chính sách cũng như thiết kế  vẫn chưa được đưa ra. Ngoài ra, hầu hết các cuộc điều tra CBDC của các ngân hàng trung ương tập trung vào các vấn đề trong nước. Trong bối cảnh đó, báo cáo này mang tính khám phá và xem xét các tác động xuyên biên giới với giả định rằng các CBDC sẽ được sử dụng rộng rãi. Để đạt được những lợi ích tiềm năng về phúc lợi xã hội trong khi duy trì ổn định tài chính, việc tìm hiểu sâu hơn về các lựa chọn thiết kế và ý nghĩa tài chính vĩ mô của  là điều cần thiết.

 “Cải cách thanh toán xuyên biên giới để làm cho thanh toán trở nên rẻ hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn là một ưu tiên, G20 đã thông qua một lộ trình để giải quyết những thách thức chính. Công việc của chúng tôi về CBDC là một phần của chương trình toàn diện này. Trong khi nhiều hành động của lộ trình tìm cách cải thiện hệ sinh thái thanh toán xuyên biên giới hiện có, thì CBDC đem đến cơ hội bắt đầu với một "khởi đầu mới". Điều tối quan trọng là các ngân hàng trung ương phải tính đến khía cạnh xuyên biên giới trong công việc của họ về các CBDC tiềm năng và để tránh được nhiều thách thức trong các quy trình và công nghệ truyền thống, ”Ông Jon Cunliffe, Chủ tịch Ủy ban Thị trường và Cơ sở hạ tầng thanh toán, Phó Thống đốc phụ trách Ổn định Tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh cho biết.

 “Trong tương lai, các thỏa thuận quốc gia có thể trở nên tương thích với nhau thông qua đa thỏa thuận CBDC (mCBDC) giữa các ngân hàng trung ương. Những điều này sẽ giảm thiểu xung đột, rủi ro xuyên biên giới và tiền tệ xuyên biên giới, đồng thời củng cố vai trò của tiền ngân hàng trung ương như một mỏ neo cho hệ thống thanh toán. Trung tâm Đổi mới sáng tạo BIS đang cộng tác với một số ngân hàng trung ương để thiết lập các nguyên mẫu và bằng chứng về các khái niệm nhằm khám phá các cách sử dụng khác nhau của CBDC phục vụ mục đích bán buôn trong bối cảnh xuyên biên giới. ” Ông Benoît Cœuré, Phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo BIS cho biết.

 “Các tác động của CBDC, ngay cả khi chỉ nhằm mục đích sử dụng trong nước, sẽ vượt ra ngoài biên giới. Các tác động tài chính vĩ mô cuối cùng sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ và bản chất của việc áp dụng trên quy mô quốc tế - từ việc áp dụng thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển tiền trong những hành lang nhất định cho đến thay thế tiền tệ rộng rãi. Báo cáo này đưa ra một đánh giá sớm và trong tương lai, một phân tích động và sâu rộng hơn, có xem xét nhiều yếu tố hơn sẽ là cần thiết ”, Tobias Adrian, Cố vấn Tài chính kiêm Vụ trưởng Vụ Thị trường Vốn và Tiền tệ, IMF cho biết.

 “Các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và bao trùm hơn sẽ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trên toàn thế giới, đồng thời tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế, phát triển toàn cầu và tài chính bao trùm. Tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là con đường tiềm năng để cải thiện thanh toán quốc tế, nhưng cũng mang lại rủi ro cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và đòi hỏi nhiều nghiên cứu về các điều kiện chính sách và quy định để thành công. Ngân hàng Thế giới hoan nghênh việc xem xét các vấn đề phức tạp này tại G20 và mong muốn có được cuộc thảo luận này ”, Indermit Gill, Phó Chủ tịch Nhóm Tăng trưởng Công bằng, Thưc hành Tài chính và Thể chế, Ngân hàng Thế giới cho biết.

(Theo The Asian Banker)

Hải Yến

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ