Biến động nhân sự cấp cao tại ngân hàng: Bình thường hay bất thường?

(Banker.vn) Mặc dù đã đi qua “mùa” Đại hội đồng cổ đông nhưng trong thời gian gần đây “ghế nóng” tại các ngân hàng vẫn liên tục nóng.

Việc thay đổi vị trí cấp cao trong ngân hàng là hoạt động hết sức bình thường nhưng có ý kiến cho rằng, sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của cổ đông khi nhìn vào bộ máy điều hành có vẻ như đang có vấn đề.

“Ghế nóng” liên tục nóng

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) vừa có thông báo về việc ông Tạ Kiều Hưng chính thức được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc sau một thời gian làm Quyền Tổng giám đốc.

Ngoài việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới, NCB cũng vừa có nhiều sự thay đổi nhân sự ban điều hành trong tháng 4. Nhà băng này vừa miễn nhiệm 2 Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Đình Tuấn và bà Đỗ Thị Đức Minh.

Hiện tại, Ban điều hành NCB bao gồm ông Tạ Kiều Hưng là Tổng giám đốc và 2 Phó tổng giám đốc là bà Hoàng Thu Trang và bà Phạm Thị Hiền.

Ngày 21/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận bổ nhiệm ông Hồ Nam Tiến làm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) thay cho ông Phạm Doãn Sơn đã từ nhiệm vì lý do cá nhân hồi giữa tháng 3/2023. Hiện, ban điều hành của ngân hàng đang có 14 thành viên gồm 1 Tổng giám đốc và 13 Phó Tổng giám đốc.

Trước đó, ngày 14/6, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, UPCoM: BVB) cũng có quyết định bổ nhiệm cùng lúc 3 Phó Tổng giám đốc là ông Phan Việt Hải (SN 1979), bà Văn Thành Khánh Linh (SN 1979), ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1983). Hiện, ban điều hành của BVBank gồm Tổng giám đốc Ngô Quang Trung và 8 Phó Tổng giám đốc.

Mặc dù đã đi qua “mùa” Đại hội đồng cổ đông nhưng trong thời gian gần đây “ghế nóng” tại các ngân hàng vẫn liên tục nóng
Mặc dù đã đi qua “mùa” Đại hội đồng cổ đông nhưng trong thời gian gần đây “ghế nóng” tại các ngân hàng vẫn liên tục nóng.

Cũng trong nửa đầu tháng 6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) ban hành quyết định cho ông Phan Đình Tuệ (SN 1966) thôi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Sacombank.

Tuy nhiên, ông Tuệ vẫn đảm nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2022-2026. Ông Phan Đình Tuệ ngay sau đó được bầu làm thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Bên cạnh đó, Sacombank cũng có quyết định cho ông võ Anh Nhuệ - Phó Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Lào, thôi công tác tại Lào. Người thay thế là ông Nguyễn Nhị Thanh, ông Trần Ngọc Cường cũng được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị của ngân hàng con này.

Tương tự, mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng có thông báo về việc Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Long thôi nhiệm từ ngày 24/6 sau gần 10 năm giữ vị trí này. Hiện Ban điều hành của Agribank chỉ còn 9 thành viên gồm ông Phạm Toàn Vượng là Tổng Giám đốc và 8 Phó Tổng Giám đốc.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, UPCoM: VIB) cũng đã bầu thêm bà Nguyễn Thùy Linh (SN 1984) làm thành viên Ban kiểm soát.

Làn gió mới nhưng cũng có thể là biến động mới

Nhìn nhận về làn sóng thay đổi vị trí chủ chốt tại các ngân hàng thời gian qua, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, kiện toàn hệ thống để triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Đặc biệt, hiện nay, ngành ngân hàng hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thách thức bởi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có nguy cơ tăng cao, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao,… đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Bên cạnh đó là những rủi ro đến từ sự bất ổn của thị trường trái phiếu, bảo hiểm, rủi ro an ninh, gian lận nội bộ, tấn công mạng… Những thách thức này đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững mà mấu chốt lại nằm ở việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, các vị trí chủ chốt của ngân hàng liên tục biến động sẽ khiến ngân hàng có vẻ như đang gặp vấn đề. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong quá khứ, không ít lần những biến động lại mang đến cho ngân hàng sự bất ổn định kéo dài.

Có thể kể đến “cuộc chiến vương quyền” tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) kéo dài hơn 6 năm với 8 lần thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tưởng chừng như cuộc chiến này đã đi đến hồi kết trong năm 2022, nhưng ngày 21/6 vừa qua, Hội đồng quản trị ngân hàng đã triệu tập cuộc họp bất thường nhằm bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc để bầu Chủ tịch và Quyền Tổng giám đốc mới.

Eximbank cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể Đại hội cổ đông thường niên
Eximbank là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể Đại hội cổ đông thường niên.

Cuộc họp bất thường đã không thể tiến hành do vắng mặt 2 trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị, trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự. Luật cho phép cuộc họp bất thường lần hai của Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng có thể tiến hành một tuần sau lần đầu với số thành viên tham dự tối thiểu 51%. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, cuộc họp bất thường HĐQT của Eximbank lần hai sẽ diễn ra ngày 28/6/2023.

Trước đó, hồi tháng 4, Eximbank cũng có thông báo nhận được đơn từ nhiệm của 2 Thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng vì lý do cá nhân.

Thực tế, trong những năm Eximbank rơi vào vòng xoáy khủng hoảng về ban lãnh đạo do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã kéo lùi sự phát triển của ngân hàng, từ một ngân hàng thuộc top đầu trở thành một nhà băng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những "đàn em" một thời như OCB, NamABank, TPBank, VIB... Đặc biệt, Eximbank cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể Đại hội cổ đông thường niên.

Những biến động này đã khiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành phải ra thông báo yêu cầu Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, pháp luật có liên quan và Điều lệ ngân hàng một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông.

Nhờ PVcomBank hậu thuẫn, doanh nghiệp BĐS "lạ" huy động 2.250 tỷ trái phiếu, gấp đến 10 lần vốn điều lệ

"Con nợ" của lô trái phiếu gần 100 triệu USD - Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Xây dựng 3 là doanh nghiệp bất ...

Agribank: Ông Nguyễn Hải Long thôi chức Phó Tổng giám đốc

Vào ngày (25/6), Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) đã công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm tại Eximbank

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chủ tịch, các thành viên hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, không ...

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán