Biến động lớn về nhân sự ở vị trí “thượng tầng” của FECON

(Banker.vn) FECON vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Công ty CP FECON (HOSE: FCN) mới đây đã công bố thông tin miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Thanh kể từ ngày 5/7. Theo đó, ông Thanh vẫn tiếp tục giữ chức danh Thành viên Hội đồng quản trị tại FECON.

Ở chiều ngược lại, FECON cũng đã có thông báo bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Tổng Giám đốc điều hành FECON và ông Trần Trung Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 5/7.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc điều hành, ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại FECON và ông Trần Trung Hiếu giữ chức Giám đốc dự án.

Biến động lớn về nhân sự ở vị trí “thượng tầng” của FECON
Ông Nguyễn Thanh Tùng (phải) và ông Trần Trung Hiếu. Ảnh: FCN

Theo giới thiệu từ FECON, ông Nguyễn Thanh Tùng tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii at Manoa/Shilder College of Business. Ông Tùng gia nhập FECON từ năm 2019. Ông có 14 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại các công ty và tập đoàn lớn như: Fresenius VAMED Group (Cộng hòa Áo), CIMAS Engineering, AA Corporation, Ecopark, Hawee Group… và tham gia nhiều dự án lớn.

Cũng theo giới thiệu từ FECON, ông Trần Trung Hiếu tốt nghiệp ngành chuyên ngành Kỹ sư Thủy điện – Thủy lợi – Cấp thoát nước tại Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Ông Hiếu gia nhập FECON từ tháng 9/2023. Ông có hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, bất động sản và kinh qua nhiều vị trí trọng yếu trong các công ty.

Kinh doanh đi lùi nhiều năm liên tục

Về tình hình hoạt động kinh doanh, trong 3 năm gần đây, hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp này không được thuận lợi khi lợi nhuận liên tục đi xuống. Trong đó, năm 2023 là đánh dấu một năm đầy thất vọng đối với công ty khi ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên (lỗ gần 42 tỷ đồng) kể từ khi niêm yết. Doanh thu trong năm đạt 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022. Mặc dù đã nỗ lực giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý, nhưng chi phí lãi vay tăng cao khi dư nợ vay lớn khiến lợi nhuận của FECON sụt giảm.

Kết thúc quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của FECON đạt 611,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 77,4%, xuống chỉ còn đạt vỏn vẹn 635,4 triệu đồng.

Giải trình về sự sụt giảm mạnh của lợi nhuận, ban lãnh đạo FECON cho biết, lợi nhuận công ty lao dốc mạnh chủ yếu là do tình hình cạnh tranh của thị trường, công ty ưu tiên lựa chọn các dự án có nguồn dòng tiền đảm bảo mặc dù có giá và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

Với kết quả thua lỗ năm 2023, công ty dự kiến không chia cổ tức cho năm này. Năm 2024, Hội đồng quản trị đề xuất mức cổ tức tối đa 5% vốn điều lệ bằng tiền.

Trong năm 2024, FECON lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đầy tham vọng, trong đó doanh nghiệp đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất trong năm 2024 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động; lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 42 tỷ đồng của năm 2023.

Như vậy, kết thúc quý 1/2024, FECON mới chỉ hoàn thành 15,3% mục tiêu doanh thu và 1% mục tiêu lợi nhuận so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2024.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, FECON cho biết trong năm nay, công ty sẽ tập trung tối đa nguồn lực thực hiện dự án khu đô thị Square City Phổ Yên và cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái để nhanh chóng đủ điều kiện bán hàng, tạo doanh thu và lợi nhuận cho FECON. Tập trung tái cấu trúc các khoản vay đầu tư dự án điện gió Quốc Vinh, dự án BOT Phủ Lý và thoái vốn khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng.

Đối với phát triển các dự án đầu tư, FECON tập trung vào các dự án hiệu quả cao thuộc các lĩnh vực chiến lược: Bất động sản đô thị, công nghiệp; Năng lượng tái tạo và Hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, FECON cũng sẽ củng cố và tiếp tục phát huy lợi thế ở các mảng kinh doanh đã tạo dựng nên tên tuổi trong giai đoạn 2019 - 2024, hướng tới tập trung vào các dự án năng lượng LNG, dự án hạ tầng sân bay, cảng biển, đường sắt, ngầm đô thị, xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, phù hợp với mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong giai đoạn 2025 - 2030. Ở thị trường khu vực, công ty ưu tiên là các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 9h30 phiên giao dịch ngày 9/7, cổ phiếu FCN đang được giao dịch ở mức 14.100 đồng/cp, giảm khoảng 3% so với thời điểm hồi đầu năm.

Vướng loạt vi phạm liên quan hoạt động quản trị, Bao bì Tiền Giang (BTG) bị phạt 185 triệu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Bao bì Tiền Giang ...

Đà Nẵng muốn lấn biển 1.000ha làm khu thương mại tự do đầu tiên: Hé lộ 4 vị trí được chọn

Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật ...

Cao Hậu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục