BIDV, VietinBank, Agribank giảm giá bất động sản phát mãi, ráo riết thu hồi nợ

(Banker.vn) Hàng loạt ngân hàng lớn như BIDV, Agribank, VietinBank,... liên tục phát đi thông báo về việc giảm giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản tại TP HCM có giá trị hàng trăm tỷ đồng để thu hồi nợ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Tân TP HCM mới đây thông báo bán đấu giá bất động sản lần thứ 6 với lô đất 236,2m2. Giá khởi điểm 16,2 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm này giảm hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm thông báo đấu giá lần 1.

Trước đó, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam. Tài sản thế chấp cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 1, quận 12 và quận 3 - TPHCM. Tài sản đảm bảo tại quận 1 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 63 (tầng 1) đường Pastuer, phường Bến Nghé, chủ tài sản là ông Hoàng Như Luận.

Ngân hàng giảm giá nhiều bất động sản thu hồi nợ. Ảnh minh họa
Ngân hàng giảm giá nhiều bất động sản thu hồi nợ. Ảnh minh họa

Tài sản đảm bảo tại quận 12 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền của 12 bất động sản tại phường An Phú Đông. Chủ tài sản là ông Phạm Văn Công và bà Phạm Thị Nhàn. Ngoài ra, tài sản đảm bảo tại quận 3 là là bất động sản tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7. Chủ tài sản là ông Trần Văn Thông.

Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là 348,3 tỷ đồng. Theo ghi nhận của phóng viên, khoản nợ được ngân hàng nhiều lần rao bán bán, hiện giá khởi điểm đã giảm hơn 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7.

Ngân hàng cho biết tính đến ngày 14/9 tổng dư nợ của doanh nghiệp trên tại BIDV là hơn 481,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 347 tỷ đồng và nợ lãi là gần 134 tỷ đồng. Như vậy, BIDV đang rao bán khoản nợ với mong muốn thu hồi lại phần nợ gốc và bỏ qua toàn bộ phần nợ lãi.

Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Sài Gòn thông báo lần 2 bán đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Nông dược H.A.I. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, thửa đất số: 90,93; tờ bản đồ số 27 tại địa chỉ 358 Kinh Dương Vương, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP HCM với diện tích 3.048 m2. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng). Thời hạn sử dụng là 50 năm, kể từ ngày 24/1/2008.

Ngân hàng Agribank chào giá khởi điểm cho tài sản trên là hơn 190 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này từng bán đấu giá mảnh đất trong cuối tháng 9 với giá khởi điểm gần 220 tỷ nhưng không thành công. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá khởi điểm của tài sản này đã giảm gần 30 tỷ, tương đương gần 14%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đang lên kế hoạch chào bán khoản nợ của một doanh nghiệp thế chấp bằng một xe hơi Ford Everest và một quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 121,6 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết, tài sản trên thế chấp cho khoản nợ của Công TNHH Thương mại và Vận tải Dầu khí Đại Lộc. Tính đến 14/8, tổng dư nợ của doanh nghiệp là 121,6 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 80,3 tỷ đồng, còn lại là lãi và lãi phạt.

Agribank cũng thông báo bán đấu giá hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất một tại quận 3 và một tại quận 7. Tài sản tại quận 3 là nhà hai tầng có diện tích 64 m2 tại số 118/11 Trần Quang Diệu, còn tại quận 7 là nhà một tầng có diện tích 416 m2 tại phường Tân Thuận Tây. Giá khởi điểm 33,4 tỷ đồng, ngân hàng cho biết đây là lần thứ 6 khoản nợ này được rao bán.

Dưới tác động sâu sắc thời kỳ hậu đại dịch, khi cả nền kinh tế đang phải đổi mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng cũng là một điều đáng lưu ý. Nợ xấu tại nhiều thành viên đã bắt đầu có dấu hiệu tăng khá nhanh, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại các khoản nợ đã chính thức kết thúc.

Diễn biến trên thế hiện ngay trong quý mà GDP ghi nhận kỷ lục tăng trưởng sau nhiều năm. Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.

Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận khoảng 20.125 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay là 1,35%, tăng 0,35%.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận 17.650 tỷ đồng nợ xấu, tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại nhà bằng này là 1,4%, tăng 0,1%.

Thuận An (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán