BIDV rực sáng thế nào dưới thời ông Phan Đức Tú?

(Banker.vn) Những khó khăn, thách thức phải đối mặt dưới thời Chủ tịch HĐQT tiền nhiệm đến nay đã cơ bản được "thuyền trưởng" Phan Đức Tú giải quyết một cách nhanh chóng, đầy đủ và hữu hiệu. Trong đó, những khoản nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng từng bước được ngân hàng xử lý êm ấm.
BIDV rực sáng thế nào dưới thời ông Phan Đức Tú?
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV

Trong ngành ngân hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HOSE: BID) là ngân hàng thương mại cổ phần có bề dày truyền thống lâu đời nhất Việt Nam.

BIDV chính thức lên sàn vào năm 2011, sau khi hoàn thành thương vụ IPO vô cùng thành công với gần 85 triệu cổ phần được phân phối tới nhà đầu tư, giúp ngân hàng thu về xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Vừa lên sàn, BIDV chiếm luôn vị trí trang trọng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có vốn hóa lớn nhất HoSE.

Tiếp nối thành công, năm 2015, BIDV một lần nữa gây tiếng vang khi trở thành nhà băng nắm giữ khối tài sản cao nhất toàn hệ thống. Động lực đến từ việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Sau đó, BIDV bắt đầu tiến hành thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của mình, đồng thời tăng thêm hàng loạt các chi nhánh trên toàn quốc, phủ kín các khu vực giàu tiềm năng nhất.

Đó là một số thành tựu không thể phủ nhận của BIDV dưới thời cựu Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà, người được bầu giữ chiếc ghế nóng tại ngân hàng từ tháng 1/2008. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó là thành công không trọn vẹn của BIDV, bởi song hành với tốc độ phát triển quá nhanh, ngân hàng bắt đầu nảy sinh ra những vấn đề lớn, điển hình là tình trạng nợ xấu tăng "phi mã".

Năm 2016, BIDV bị xướng tên nhóm 11 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất toàn ngành. Trong tổng số gần 49.000 tỷ đồng nợ xấu của nhóm, riêng BIDV đã "góp" đến 13.180 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất với 27%. Đó là nguồn cơn kéo lùi đà tăng trưởng lợi nhuận của BIDV trong các năm sau (chi phí dự phòng cao 'ăn mòn' lợi nhuận), bất tương xứng với sức tăng của quy mô hoạt động.

Mặt khác, cũng từ đó nhiều lãnh đạo của BIDV trở thành cựu lãnh đạo và vướng vòng lao lý.

Vượt bão

Vậy nhưng, những khó khăn, thách thức phải đối mặt khi đó đến nay đã cơ bản được vị Chủ tịch HĐQT kế nhiệm, ông Phan Đức Tú giải quyết một cách nhanh chóng, đầy đủ và hữu hiệu. Từ 2019 - năm đầu tiên ông Phan Đức Tú chính thức được bổ nhiệm trở thành Chủ tịch HĐQT BIDV, những khoản nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng từng bước được ngân hàng xử lý êm ấm.

Lúc đó, tổng tài sản tiếp tục được mở rộng, giúp BIDV giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam. Và cũng nhờ những cuộc chuyển mình, tái cơ cấu xuất sắc, BIDV đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư giàu tiềm lực nước ngoài, và thắng lợi lớn lao nhất phải kể đến là thương vụ bán vốn thành công cho KEB HanaBank, nhà đầu tư chiến lược rất sáng giá, vào cuối năm 2019.

BIDV rực sáng thế nào dưới thời ông Phan Đức Tú?
Năm 2022, BIDV dưới thời ông Phan Đức Tú báo lãi trước thuế cao đột biến hơn 23.000 tỷ đồng, chạm mức gần 1 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước và là kết quả cao nhất trong lịch sử hoạt động

Năm 2020, giống như nhiều ngân hàng khác, BIDV gặp khó khăn trong hoạt động bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid, việc hạ lãi suất, miễn giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm sút so với năm trước.

Thế nhưng, sang năm Covid thứ hai, BIDV bất ngờ công bố lợi nhuận trước thuế tăng gấp rưỡi lên 13.500 tỷ đồng. Trong đó, chênh lệch thu - chi của BIDV đạt hơn 41.700 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, là hiệu suất dẫn đầu khối ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, năm 2021, BIDV cho biết đã trích lập đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu vì Covid. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235% - mức cao nhất trong lịch sử của nhà băng này; tức mỗi đồng nợ xấu, BIDV đang trích dự phòng 2,35 đồng. Ngoài ra, chất lượng tài sản năm đó cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 0,81%.

2022, giai đoạn hậu Covid tiếp tục là năm bùng nổ của BIDV. Bất chấp mức nền cao, ngân hàng dưới thời ông Phan Đức Tú báo lãi trước thuế cao đột biến hơn 23.000 tỷ đồng, chạm mức gần 1 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước và là kết quả cao nhất trong lịch sử hoạt động. Đây là mức lãi xếp vị trí thứ hai toàn ngành ngân hàng, chỉ sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (báo lãi trên 37.000 tỷ đồng).

Trong đó, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).

BIDV cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 245%, vượt qua kết quả thực hiện năm 2021, trở thành mức cao nhất từ khi ngân hàng bắt đầu hoạt động. Không những vậy, quy mô tổng tài sản của BIDV đã tăng trên mốc 2 triệu tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Theo quan sát, lợi nhuận của BIDV tăng mạnh trong những năm qua là do tăng trưởng tín dụng đạt mức cao, có lượng tiền huy động với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung (ví dụ năm 2022 chỉ khoảng 7-8% cho kỳ hạn 1 năm, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn là 10-12%). Ngoài ra, thu ngập ngoài lãi, trong đó có thu từ dịch vụ tăng... cũng là yếu tố đóng góp tích cực cho lợi nhuận của ngân hàng.

Trong điều kiện kinh doanh bình thường, các ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng gặt hái khoản lợi nhuận "khủng" là tín hiệu đáng mừng. Vậy nhưng, trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đang phải "ăn đong" hàng ngày, hàng tuần để chi trả các khoản nợ nần, trả tiền lương cho người lao động, nhiều người đã bảy tỏ băn khoăn về sự chia sẻ của ngân hàng đối với nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp...

Ông Phan Đức Tú sinh ngày 22/12/1964, nguyên quán tại xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông có trình độ học vấn là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Cử nhân Luật và Cử nhân - Học viện Ngân hàng.

Ông Phan Đức Tú gia nhập BIDV từ năm 1987. Giai đoạn 1998-2005, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Chi nhánh BIDV Quảng Ngãi, sau đó giữ chức vụ Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ BIDV trong vòng 2 năm. Từ tháng 6/2007 đến 30/4/2012, ông làm Phó tổng Giám đốc BIDV, rồi lên vị trí Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngày 15/11/2018, ông Phan Đức Tú chính thức được bổ nhiệm trở thành Chủ tịch HĐQT BIDV.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục