Ngày 16/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”. Báo cáo là sản phẩm phối hợp của ba cơ quan nhằm đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao hàm đầy đủ các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm và quỹ đầu tư.
Hội thảo có sự tham gia của TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; GS.,TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân; ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Nguyễn Thế Ngân - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh; PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam; ông Jochen M. Schmittmann - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại khu vực Đông Dương; PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng... Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế (Tập đoàn Tài chính Quốc tế - IFC, Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, IMF…), các tổ chức tài chính, hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan thông tấn - báo chí…
Ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương cho biết: Trong hai năm 2022 - 2023, BIDV phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng" đã thu hút sự quan tâm, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các hiệp hội, viện nghiên cứu, giới truyền thông... Năm nay, BIDV và ADB rất vinh dự khi NFSC cùng phối hợp thực hiện Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”. Với sự tham vấn, đóng góp của NFSC, chắc chắn Báo cáo thực sự là một kênh cung cấp thông tin hữu ích, khách quan, độc lập, khoa học và toàn diện về thị trường tài chính Việt Nam, giúp nhận diện được các cơ hội cũng như thách thức nhằm đưa ra các phương án, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Hội thảo và Báo cáo tập trung vào ba nội dung chính:
Thứ nhất, đưa ra nhận định về thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024.
Năm 2023, kinh tế thế giới tăng chậm lại (ước đạt 2,6% từ mức 3% năm 2022), lạm phát giảm nhưng còn cao, sức cầu giảm sút, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - vốn phụ thuộc vào cả ba động lực: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng - chỉ đạt mức 5,05% năm 2023 (thấp hơn mục tiêu 6 - 6,5% cũng như mức 8,12% năm 2022), lạm phát được kiểm soát (tăng 3,25%, cách xa mục tiêu 4 - 4,5%), kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tỉ giá tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất điều hành giảm 3 lần (tổng cộng 1,5%), lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 2 - 3% so với cuối năm 2022.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, thông qua sửa đổi các đạo luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD)…; cùng với việc ban hành hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, thị trường tín dụng và chứng khoán, du lịch, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI…; chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với việc tiếp tục áp dụng các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí tương tự như những năm đại dịch Covid-19 bùng phát (2020 - 2022); chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt, chặt chẽ sang nới lỏng, linh hoạt thông qua việc giảm lãi suất điều hành, cho phép cơ cấu lại nợ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp…
Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen, nhưng điểm sáng chi phối. Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận là: Tín dụng tăng chậm trong ba quý đầu năm, nhưng phục hồi mạnh trong quý IV/2023 (cả năm tăng 13,78%, thấp hơn mục tiêu 14,5% nhưng là mức cao so với khu vực và phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế); thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào; lãi suất giảm, khiến chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên tỉ giá. Mặc dù vậy, với các biện pháp can thiệp kịp thời, linh hoạt, NHNN vẫn giữ được biến động tỉ giá trong tầm kiểm soát (tăng 2,6%), qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ. Kết quả hoạt động của các định chế tài chính phân hóa với lợi nhuận trước thuế của các TCTD tăng 7,3%, của các công ty chứng khoán tăng trên 45%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm giảm gần 9% (nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh 30 - 60%, chủ yếu là do lợi nhuận từ đầu tư tài chính và tiết giảm chi phí).
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 phục hồi với chỉ số VNIndex tăng hơn 12%, giá trị vốn hóa tăng gần 14% so với cuối năm trước, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 340 nghìn tỉ đồng, tăng 25% so với 2022, đồng thời, thị trường cũng được lành mạnh hóa dần thông qua xử lý các vụ việc vi phạm. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục gia tăng mạnh mẽ cùng với xu hướng phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh ngày càng lan rộng.
Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi cơ cấu thị trường chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng (chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) trong khi qua kênh thị trường vốn vẫn khiêm tốn (chiếm 12,4%), thanh khoản thị trường cổ phiếu giảm (11,2%); tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng và bảo hiểm đều thấp hơn nhiều so với năm 2022, nợ xấu gia tăng, trong khi năng lực xử lý nợ xấu của các TCTD có phần giảm, việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính còn chậm so với yêu cầu; thể chế cho kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới, tài chính xanh… còn chậm ban hành; rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính còn tiềm ẩn, tuy nhiên trong tầm kiểm soát; cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn gặp nhiều khó khăn; rủi ro công nghệ và an ninh mạng gia tăng, đòi hỏi cần nhận diện và đẩy nhanh hơn, kiểm soát hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5 - 4% từ mức 5,7% năm 2023). Đối với Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4 - 3,8%, trong mục tiêu là 4 - 4,5%.
Cùng với khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn. Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tỉ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Fed quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024, với mức tăng khoảng 2,5 - 3% trong năm 2024. Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỉ trọng của kênh tín dụng, tăng tỉ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực. Tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023. Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật Các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và các luật quan trọng khác (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,…) có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng. Bên cạnh đó, pháp lý cho TTCK và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam trong năm 2025...
Mặc dù vậy, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế; nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14 - 15%; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn; việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao; rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng… đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc ViệnĐào tạo và Nghiên cứu BIDV trình bày tóm tắt báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024”
Thứ hai, đánh giá về thực trạng, các cách tiếp cận quản lý Fintech trên thế giới và gợi ý định hướng quản lý Fintech tại Việt Nam.
Công nghệ khu vực tài chính trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ. Để quản lý Fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính, đó là: (i) Chờ đợi và quan sát, (ii) Thử nghiệm và học hỏi, (iii) Cơ chế thúc đẩy sáng tạo; (iv) Cải cách luật pháp. Các cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có thể vận dụng phù hợp với mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, Fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp và với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ hoạt động Fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính. Trong thời gian tới, theo Nhóm Nghiên cứu, Việt Nam nên áp dụng dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với Fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý (như một ủy ban quản lý - giám sát liên ngành) cũng nên được xem xét để có mô hình quản lý Fintech phù hợp hơn cùng với việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Thứ ba, các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách, tập trung vào hai vấn đề chính: (i) Ổn định và phát triển thị trường tài chính; (ii) Quản lý Fintech tại Việt Nam.
Nhóm kiến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường tài chính, gồm: Đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng TTCK (từ “cận biên” lên “mới nổi”) theo đúng kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số, trong đó có Fintech; gia tăng nguồn lực cho các TCTD thông qua cho phép các TCTD có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hằng năm để tăng vốn; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém; đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống; sớm có hướng dẫn triển khai Luật Các TCTD sửa đổi, phát triển tài chính xanh, cũng như các đạo luật quan trọng đã được ban hành; nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng của các định chế tài chính; bình ổn thị trường vàng theo kế hoạch, giải pháp đã đề ra.
Liên quan đến việc quản lý Fintech tại Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị: (i) Sớm hoàn thiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ; (ii) Tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo; (iii) Cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam; (iv) Tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng với năng lực quản lý rủi ro công nghệ thông tin, an toàn thông tin, dữ liệu; (v) Tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, nhà đầu tư; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả mảng tài chính, công nghệ số và an ninh mạng…
ND