Danameco chậm công bố thông tin là do sơ suất của nhân viên |
Trước đó, Danameco đã nhận được công văn số 1623/SGDHN-QLNY ngày 31/7/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), yêu cầu giải trình về việc có dấu hiệu vi phạm quy định về công bố thông tin đối với hai tài liệu là báo cáo tài chính quý II/2023 và giải trình biến động lợi nhuận quý II/2023.
Về việc chậm công bố báo cáo tài chính quý II/2023, Dameco cho biết, ngày 20/7/2023, doanh nghiệp này đã tiến hành đổ dữ liệu lên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và nhận cảnh báo số liệu không khớp từ hệ thống.
Do đó, bộ phận kế toán đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại dữ và phát hiện nhân viên kế toán mới đã cập nhật dữ liệu sai lệch, dẫn đến số liệu trên báo cáo tài chính không khớp. Mặc dù đã cố gắng khắc phục sự cố này bằng cách kiểm tra và cập nhật lại số liệu chính xác nhưng đến ngày 21/7/2023, Danameco mới hoàn thiện báo cáo.
Về việc chậm công bố giải trình lợi nhuận sau thuế quý II/2023 là số âm, doanh nghiệp này đưa ra lý do là “nhân sự phụ trách nhầm lẫn trong quy định của pháp luật dẫn đến việc chậm trễ trong giải trình”.
Danameco cho biết thêm, doanh nghiệp đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý II/2023 vào ngày 21/7/2023 và công văn giải trình lợi nhuận sau thuế quý II/2023 lỗ vào ngày 8/8/2023. Đồng thời, Danameco cũng cung cấp hình ảnh chứng minh việc công bố thông tin đối với các văn bản trên đã được thực hiện trên Website của doanh nghiệp, UBCKNN và HNX.
Đáng nói, công văn giải trình gửi HNX ngày 9/8 của Danameco có khá nhiều “sạn”. Cụ thể, trong văn bản, công ty này viết: “Ngày 3/11/2022, Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco nhận được công văn số 1623/SGDHN-QLNY ngày 31/7/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc giải trình có dấu hiệu vi phạm quy định về CBTT BCTC quý II/2022…”.
Rõ ràng, việc nhận công văn ngày 31/7/2023 vào ngày 3/11/2022 là một điều bất khả thi. Thời gian của báo cáo tài chính cũng có sự nhầm lẫn, được ghi là quý II/2022 hay vì quý II/2023. Có lẽ, đây lại là một… sơ suất của nhân sự phụ trách.
Văn bản giải trình đầy "sạn" của Danameco |
Tại một diễn biến khác, mới đây, ngày 31/7/2023, HNX đã có thông báo về việc 5,2 triệu cổ phiếu DNM của Danameco sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 7/8/2023. Theo đó, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.300 đồng/cp.
Trước đó, cổ phiếu DNM đã bị huỷ niêm yết trên sàn HNX từ ngày 24/7. Lý do được phía HNX đưa ra là do Danameco có tổng số lỗ lũy kế ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020 của Chính phủ.
Đáng chú ý, thời còn được giao dịch trên sàn HNX, cổ phiếu DNM đã có thời gian “làm mưa làm gió” và là một trong những cổ phiếu “hot” nhất. Từ một mã giao dịch dưới mệnh giá và gần như không có thanh khoản, sau khi những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện, thị giá DNM đã liên tục tăng trong năm 2020.
Chỉ sau 7 tháng, giá cổ phiếu DNM đã gấp hơn 7 lần, lên mức đỉnh lịch sử 60.190 đồng/cp với thanh khoản lên đến hàng khoảng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Sau đó, khi tình hình căng thẳng được nới lỏng, giá DNM điều chỉnh lại về vùng đáy ngắn hạn khoảng 31.000 đồng/cp.
Đến tháng 3/2022, dịch bệnh bùng phát trở lại đã “thổi” giá cổ phiếu này lại tăng từ mức 37.500 đồng/cp lên 63.330 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 70% sau nửa tháng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu DNM “quay đầu” lao dốc rồi bị đưa vào diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Đến khi báo cáo tài chính kiểm được công bố, Danameco ghi nhận lỗ thêm gần 49 tỷ đồng, nâng tổng lỗ của năm 2022 lên hơn 100 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp y tế này còn kéo dài sang năm 2023. Quý I/2023, Danameco lỗ sau thuế gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 15 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 được công bố mới đây, doanh nghiệp lỗ hơn 14 tỷ đồng. Đây là hậu quả của những “nước cờ sai” trong quá khứ. Trong văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn bùng phát nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, cho đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch không còn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư, mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ, dẫn đến giá thành cao.
Thêm vào đó, Danameco đã chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu nhưng một số mặt hàng phải chấp nhận chịu lỗ để thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Hà Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|