Bệnh viện tư nhân Triều An - “chốn cũ” vừa đón ông Trầm Bê trở về: Thu mỗi năm “ngót” nửa nghìn tỷ, từng dẫn đầu cả nước về quy mô

(Banker.vn) Cuối tháng 5 vừa qua, ba tháng sau khi mãn hạn tù, ông Trầm Bê trở lại HĐQT của Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An – nơi ông đã góp vốn gây dựng từ hơn hai thập kỷ trước.
Bệnh viện tư nhân Triều An - “chốn cũ” vừa đón ông Trầm Bê trở về: Thu mỗi năm “ngót” nửa nghìn tỷ, từng dẫn đầu cả nước về quy mô
Ông Trầm Bê vừa tái xuất thương trường sau khi mãn hạn 7 năm tù hồi đầu năm nay.

Cụ thể, tuần qua, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Tư nhân (viết tắt là Bệnh viện Triều An) đã thông qua bầu bổ sung ông Trầm Bê làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, với tỷ lệ tán thành gần 99%. Như vậy, ông Trầm Bê đã chính thức quay trở lại thương trường sau khi mãn hạn 7 năm tù hồi đầu năm nay.

Thực tế, Bệnh viện Triều An là “chốn cũ” của doanh nhân người Việt gốc Hoa này, chứ không phải là bến đỗ mới. Được biết, Bệnh viện Triều An được ông Trầm Bê thành lập năm 1999 với tên gọi Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An, là bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Năm 2001, bệnh viện này hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 490 tỷ đồng, được góp bởi hai cổ đông lớn là ông Trầm Bê và ông Lưu Trung Lương, một doanh nhân gốc Hoa khác.

Ông Trầm Bê giữ chức Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An từ những ngày đầu thành lập tới năm 2017 thì bị bãi nhiệm do vướng các vụ án tại Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank.

Trong giai đoạn người sáng lập Trầm Bê thụ án, từ năm 2017 đến năm 2022, kết quả kinh doanh của Bệnh viện Triều An vẫn ghi nhận doanh thu hàng năm tăng trưởng khác đều đặn, dao động từ 400 – 500 tỷ đồng. Duy chỉ có năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, bệnh viện phải kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến kết quả doanh thu ở mức 379 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng.

Bệnh viện tư nhân Triều An - “chốn cũ” vừa đón ông Trầm Bê trở về: Thu mỗi năm “ngót” nửa nghìn tỷ, từng dẫn đầu cả nước về quy mô
Kết quả kinh doanh các năm gần đây của Bệnh viện Triều An.

Năm 2022, kết quả kinh doanh của Bệnh viện Triều An khởi sắc trở lại với doanh thu đạt 592,56 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng, tăng trưởng 53%.

Theo thông tin từ Bệnh viện Triều An, số lãi năm 2022 sẽ được chuyển vào phần bù lỗ cho năm 2021, và bệnh viện sẽ không tiến hành chia cổ tức cho năm 2022. Phần còn lại là khoảng 12 tỷ đồng sẽ chuyển vào năm 2023 và thực hiện chia cổ tức của năm 2023, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 10%/vốn góp.

Năm 2023, Bệnh viện Triều An đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 628 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 47 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022

Được biết, trong giai đoạn thụ án, ông Trầm Bê không còn có tên trong HĐQT của bệnh viện Triều An từ năm 2019. Tuy nhiên, quyền sở hữu và điều hành bệnh viện này vẫn thuộc về gia tộc gốc Hoa của ông.

Điều này thể hiện qua việc bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê, vẫn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc với tỷ lệ sở hữu lên tới 21,39%. Chị vợ ông Bê là bà Viên Tú Anh nắm giữ 3,44% cổ phần, trong khi em trai ông Bê là ông Trầm Sê (em trai ông Trầm Bê) chưa từng rời ghế Trưởng Ban kiểm soát kể ngày đầu thành lập bệnh viện đến nay.

Bệnh viện tư nhân Triều An - “chốn cũ” vừa đón ông Trầm Bê trở về: Thu mỗi năm “ngót” nửa nghìn tỷ, từng dẫn đầu cả nước về quy mô
Cơ cấu cổ đông của Bệnh viện Triều An tại ngày 31/12/2022.

Ngoài ra, người kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Trầm Bê là ông Trần Ngọc Henri cũng nắm giữ 4,08% cổ phần. Ông Henri cũng được cho là người của của ông Trầm Bê bởi xuất thân từ CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), một công ty từng thuộc sở hữu của đại gia Trà Vinh, trước khi bán lại cho Khang Điền.

Ông Trầm Bê là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1959, quê tại Trà Vinh. Lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông Bê chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực y tế. Tên tuổi của doanh nhân Trầm Bê gắn với liền với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An và Ngân hàng Phương Nam.

Năm 2017, doanh nhân gốc Trà Vinh Trầm Bê phải chấp hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù. Cụ thể, ngày 6/8/2018, ông Trầm Bê bị TAND TP.HCM tuyên phạt 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vì giúp sức cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng). Thiệt hại xảy ra khi ông đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Bản án thứ hai là vào 2020 khi TAND TP.HCM tuyên phạt ông Bê 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong vụ án này, ông Bê là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, đã phê duyệt cho vay, dẫn đến ngân hàng này bị thiệt hại 505 tỷ đồng. Đầu năm 2023, ông Trầm Bê đã hoàn thành thi hành án.

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục