Becamex IDC (BCM) liên tục huy động vốn, muốn “hút” thêm 1.300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

(Banker.vn) Thời gian gần đây, Becamex IDC liên tục huy động vốn qua các kênh trái phiếu và vay ngân hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty CP (Becamex IDC, HOSE: BCM) đã công bố nghị quyết phê duyệt chủ trương phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 với tổng mệnh giá tối đa là 1.300 tỷ đồng.

Chi tiết về lãi suất, kỳ hạn, kế hoạch sử dụng vốn, kế hoạch bố trí nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu phát hành hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Bên cạnh đó, HĐQT Becamex IDC cũng đã chấp thuận cũng thông qua dùng tài sản thuộc sở hữu của công ty hoặc bên thứ ba làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cũng không được nêu chi tiết.

Ông Phạm Ngọc Thuận – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật của Becamex IDC là người được HĐQT giao triển khai thực hiện kế hoạch. Ông Thuận cũng được phép uỷ quyền lại cho bất kỳ chủ thể nào thực hiện và hoàn tất các công việc có liên quan.

Becamex IDC (BCM) liên tục huy động vốn, muốn “hút” thêm 1.300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Thời gian gần đây, Becamex IDC liên tục huy động vốn

Trước khi công bố kế hoạch nêu trên, Becamex IDC đã nhiều lần thông báo hủy kế hoạch phát hành trái phiếu. Gần đây nhất là vào ngày 15/9, doanh nghiệp này thông qua kế hoạch phát hành 760 tỷ đồng trái phiếu song đến nay vẫn chưa có thông tin thêm về lô trái phiếu này. Trước đó, năm 2022, Becamex IDC cũng đã thông qua kế hoạch huy động 2.000 tỷ trái phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị huỷ bỏ do kênh huy động vốn từ trái phiếu gặp nhiều thông tin không thuận lợi.

Bên cạnh kênh trái phiếu, ngày 11/12/2023, Becamex IDC đã thông qua việc đề nghị cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) với số tiền 1.500 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn hoạt động của tổng công ty. Số tiền này được vay trung, dài hạn. Thời hạn khoản tín dụng là 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất khoản vay được tính theo quy định MSB.

Tại kênh ngân hàng, ngoài việc vay vốn tại MSB, hồi đầu tháng 11, Becamex IDC cũng lên kế hoạch vay vốn trung, dài hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) với số tiền vay là 1.000 tỷ đồng, theo phương thức cấp tín dụng từng lần trong thời hạn 60 tháng.

Như vậy, tổng số tiền mà Becamex dự kiến huy động qua kênh trái phiếu và ngân hàng trong thời gian sắp tới lên tới 3.800 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9, tổng nợ phải trả Becamex IDC ghi nhận ở mức 31.418 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay là 17.185 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, bao gồm 5.923 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 11.262 tỷ đồng nợ dài hạn. Đáng chú ý, nợ vay chủ yếu nằm tại dư nợ trái phiếu với hơn 10.500 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, Becamex IDC đi vay 4.458 tỷ đồng, đã trả nợ gốc gần 3.171 tỷ đồng.

Tại kênh ngân hàng, các “chủ nợ” của Becamex IDC gồm có: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) với dư nợ ghi nhận tại báo cáo tài chính quý III/2023 là hơn 3.641 tỷ đồng (ngắn hạn và dài hạn); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với dư nợ hơn 1.053 tỷ đồng (ngắn hạn và dài hạn; Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) với dư nợ hơn 1.021 tỷ đồng (dài hạn).

Về tình hình kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm, Becamex IDC ghi nhận doah thu đạt 3.034 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng bốc hơi tới 84%, chỉ đạt 264,5 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so với kế hoạch thu về 9.460 tỷ đồng tiền doanh thu và 2.263 tỷ đồng tiền lãi sau thuế, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 32% chỉ tiêu doanh thu và 12% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trong một diễn biến khác, mới đây, liên danh Becamex IDC với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty CP (HOSE: GVR) đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa về chủ trương khảo sát, nghiên cứu phát triển hai dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân và Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh.

Trong đó, dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân nằm tại tại xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa, có quy mô dự kiến 2.340 ha, dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến năm 2035. Còn Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh nằm tại xã Diên Thạnh và xã Diên Bình (huyện Diên Khánh), có quy mô dự kiến 500 ha, dự kiến triển khai từ năm 2023 đến năm 2030.

"Anh lớn" bất động sản khu công nghiệp VSIP "hút" 1.000 tỷ đồng trái phiếu dù lợi nhuận sụt mạnh

Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa có báo cáo về việc hoàn tất phát hành lô trái ...

Sắp "bỏ túi" hơn 2.700 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án, cổ phiếu BCM lập tức tăng trần

Theo thông tin mới nhất, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP ...

Becamex IDC sắp “sang tay” toàn bộ Khu đô thị Tân Thành Bình Dương cho CapitaLand

UBND tỉnh Bình Dương cho phép Becamex IDC được chuyển nhượng dự án khu đô thị mới 18,9ha tại Thủ Dầu Một cho Công ty ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán