Becamex IDC (BCM) đặt mục tiêu chinh phục ngưỡng vốn hóa 5 tỷ USD

(Banker.vn) Tính đến cuối năm 2023, quy mô vốn hóa của Becamex IDC ghi nhận ở mức 65.100 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), cao nhất nhóm khu công nghiệp và xếp thứ hai trong nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sáng qua, ngày 3/3, tại buổi gặp mặt đầu xuân giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tưởng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Công ty CP (Becamex IDC, HOSE: BCM) đã có những chia sẻ về tình hình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.

Becamex IDC (BCM) đặt mục tiêu chinh phục ngưỡng vốn hóa 5 tỷ USD
Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC chia sẻ tại buổi gặp mặt đầu xuân giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu

Cụ thể, ông Quảng Văn Viết Cương - Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho hay, sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình cổ phần và đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Becamex IDC xây dựng được một hệ sinh thái là đa ngành nghề, đa lĩnh vực và có tiềm lực tài chính tốt.

Trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha, Becamex IDC hiện là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc. Doanh nghiệp đã hợp tác cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đã hợp tác phát triển triển tại hơn 10 tỉnh, thành như Nghệ An, Quảng Ngãi, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng... tương đối thành công.

Bên cạnh đó, Becamex IDC còn tham gia liên doanh với doanh nghiệp Singapore để thành lập Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và nắm giữ 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Với 12 dự án trên cả nước có tổng diện tích hơn 10.000 ha, hiện tại, VSIP đã trở thành nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu Việt Nam.

Tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Singapore đến Việt Nam, Becamex IDC và VSIP đã ký biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại nhiều địa phương trên cả nước như Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương… Đồng thời, VSIP cũng được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận.

“Đây là một sự khích lệ tinh thần đối với Becamex IDC và tỉnh Bình Dương. Chúng tôi thấy rằng, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước, đây là trách nhiệm phát triển không chỉ riêng cho Bình Dương và các tỉnh, thành mà còn là phát triển chung cho cộng đồng”, ông Quảng Văn Viết Cương chia sẻ.

Đáng chú ý, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu sau năm 2025 là doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán từ 5 tỷ USD trở lên.

“Chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu dù có nhiều thách thức nhưng vẫn khả thi nếu như những giải pháp mà chúng tôi đưa ra, được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ. Đến giờ này chúng tôi đã cơ bản nghiên cứu xong dự án khu công nghiệp tại một số tỉnh thành như Tây Ninh và sắp tới sẽ báo cáo lên các bộ, ngành”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Becamex IDC (BCM) đặt mục tiêu chinh phục ngưỡng vốn hóa 5 tỷ USD
Becamex IDC đang trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha

Tính đến cuối năm 2023, với quy mô vốn hóa ghi nhận ở mức 65.100 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), Becamex IDC là doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất nhóm khu công nghiệp và xếp thứ hai trong nhóm bất động sản trên sàn chứng khoán, chỉ sau Công ty CP Vinhomes (HOSE: VHM).

Xét về quy mô lợi nhuận, trong năm 2023, Becamex IDC vươn lên vị trí thứ 3 về lợi nhuận trong nhóm bất động sản trên sàn (tăng 2 bậc so với năm 2022) khi đạt trên 2.441 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2022.

Đáng nói, kết quả này đến từ sự tăng trưởng vượt trội trong quý IV. Cần biết, trong quý cuối năm, doanh thu của Becamex IDC tăng đột biến, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý IV tăng 36 lần, lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Theo quan sát, sự bứt phá này nhiều khả năng được tạo nên thương vụ chuyển nhượng khu đất vàng 18,9 ha tại Bình Dương cho CapitaLand. Đây là thương vụ có giá trị lên tới 242 triệu USD (khoảng 5.920 tỷ đồng) đã được hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng từ năm 2021. Đến ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định chính thức về việc chuyển nhượng này, giúp Becamex IDC kịp ghi nhận doanh thu trong năm 2023. Cũng cần nói thêm, tại ngày 31/12/2023, Becamex IDC còn hơn 2.775 tỷ đồng khoản phải thu từ Công ty TNHH Sycamore, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái CapitaLand trực tiếp nhận chuyển nhượng khu đất này.

Trở lại với kết quả kinh doanh cả năm, so với kế hoạch mang về 9.460 tỷ đồng doanh thu và 2.263 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mặc dù mới hoàn thành 85% chỉ tiêu doanh thu nhưng Becamex IDC đã vượt 2,25 chỉ tiêu lợi nhuận. Đây cũng là năm đầu tiên “đại gia” bất động sản công nghiệp ghi nhận lãi sau thuế vượt mốc 2.000 tỷ đồng sau giai đoạn sa sút 2021 – 2022.

Becamex IDC (BCM) đặt mục tiêu chinh phục ngưỡng vốn hóa 5 tỷ USD
Becamex IDC "chinh phục" lại mức lãi trên 2.000 tỷ đồng

Nhờ khoản lãi “khủng”, vốn chủ sở hữu của Becamex IDC tại ngày 31/12/2023 đã tăng 7,5% so với thời điểm đầu năm 2023. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đóng góp gần 5.954 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Becamex IDC trong năm 2023 chưa thể dương trở lại mà vẫn âm hơn 2.915 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu, tồn kho và trả tiền lãi vay. Dù vậy, nhờ dòng tiền vào từ việc đi vay và thu lãi cho vay, nhận cổ tức được chia, lưu chuyển tiền thuần trong năm vẫn dương gần 262 tỷ đồng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Becamex IDC ghi nhận trong năm 2023, doanh nghiêp này đã đã thu hơn 9.965 tỷ đồng từ đi vay, đồng thời chi gần 6.178 tỷ đồng để trả nợ gốc. Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ vay tài chính đạt 19.738 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm đầu năm 2023. Tỷ lệ dư nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 0,89 lần lên mức 1,033 lần.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu tài trợ cho sự tăng trưởng của tổng nguồn vốn (tương đương giá trị tổng tài sản) của Becamex IDC. Tính đến cuối năm, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 53.280 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là hạng mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, ghi nhận ở mức 22.448 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm 2023. Phần lớn số tiền này tập trung ở chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của các dự án. Tuy nhiên, Becmex IDC không thuyết minh cụ thể về các dự án này.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, thị giá cổ phiếu BCM đóng cửa ở mức 63.600 đồng/cp, đang nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của mã này đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên.

Becamex IDC (BCM) liên tục huy động vốn, muốn “hút” thêm 1.300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Thời gian gần đây, Becamex IDC liên tục huy động vốn qua các kênh trái phiếu và vay ngân hàng để bổ sung nguồn vốn ...

1.300 tỷ đồng trái phiếu cấp tập chảy về Becamex IDC (BCM)

Sau khi phát hành lô trái phiếu BCMH2328003, ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của Becamex IDC đã vượt mốc 12.000 tỷ đồng.

Làm một quý ăn cả năm, Becamex IDC (BCM) báo lãi vượt mức 2.000 tỷ

Sau 3 quý liên tiếp lãi èo uột, với sự tăng trưởng vượt trội trong quý cuối cùng của năm, kết quả kinh doanh của ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán