Phía sau “tân binh” sàn UPCoM Helio Energy là cả một hệ sinh thái đa ngành mang tên Amber Holdings và "bệ đỡ" tài chính EVN Finance |
Mới đây, Công ty CP Helio Energy đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch 21 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán HIO.
Theo thông báo của HNX về ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HIO sẽ chính thức chào sàn vào ngày 23/10/2023, với giá tham chiếu là 10.600 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hoá ngày ra mắt của Helio Energy đạt khoảng 222 tỷ đồng.
Màn ra mắt của Helio Energy thu hút sự quan tâm và đón đợi của giới quan sát, bởi lẽ đây là doanh nghiệp năng lượng tái tạo đầu tiên tiến hành IPO trong năm 2023. Chưa kể, phía sau doanh nghiệp 3 năm tuổi này là cả một hệ sinh thái đa ngành Amber Holdings giàu tiềm lực. Ngoài ra, Helio Energy còn được hậu thuẫn tài chính bởi Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, HOSE: EVF).
Theo bản công bố thông tin về tổ chức đăng ký giao dịch, Helio Energy có tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1, được thành lập vào tháng 6/2020 với số vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện. Thời điểm đó, Công ty CP Helio Power (mã số thuế 0107948189) là đơn vị nắm 100% vốn cổ phần của doanh nghiệp này. Tổng giám đốc của Helio Power là ông Phan Thành Đạt cũng đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại Helio Energy.
Ngày 4/3/2021, Helio Power chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty CP Đầu tư Helios (mã số thuế 0107581205) lúc này do ông Hoàng Thế Anh làm Chủ tịch HĐQT. Đáng chú ý, đầu tư Helios cũng có sự tham gia của ông Phan Thành Đạt, với vai trò Tổng giám đốc.
Đến tháng 10/2021, Alpha Solar 1 tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần, đổi tên thành Heaven Power, đồng thời tăng vốn lên 210 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP Đầu tư Helios là cổ đông nắm quyền kiểm soát khi sở hữu 199,5 tỷ đồng vốn góp (tương đương tỷ lệ sở hữu 95%), 5% còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Phan Thành Đạt (2,5%) và ông Hoàng Thế Anh (2,5%).
Ngày 29/8/2022, Heaven Power được đổi tên thành Helio Energy. Đáng chú ý, trước đó, hai pháp nhân có liên quan đến doanh nghiệp này là Công ty CP Helio Power và Công ty CP Đầu tư Helios cũng thay đổi tên gọi. Trong đó, Công ty CP Helio Power đổi tên thành Công ty CP Đầu tư năng lượng Heli, còn Công ty CP Đầu tư Helios đổi tên thành Công ty CP Helio.
Một năm sau đó, tháng 8/2023, Helio Energy tiến hành đại chúng hoá.
Đến ngày 22/9/2023, doanh nghiệp này ghi nhận một số thay đổi về tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Cụ thể, Helio Power - cổ đông lớn nhất giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn tỷ lệ 69,31%. Trong khi đó, ông Hoàng Thế Anh cũng thoái gần hết cổ phần, chỉ còn nắm giữ 0,05% vốn điều lệ. Chỉ có ông Phan Thành Đạt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 2,5%.
Cũng theo bản công bố thông tin đăng ký giao dịch của Helio Power, HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 của doanh nghiệp này gồm 4 người. Trong đó, Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Lan, hai thành viên HĐQT là ông Phan Thành Đạt (Tổng giám đốc) và Bùi Tuấn Dương (Phó tổng giám đốc), còn thành viên độc lập là ông Nguyễn Thanh Long.
Đáng nói, những cái tên nêu trên đều là những nhân sự cốt cán trong hệ sinh thái tài chính - bất động sản - năng lượng của Công ty CP Amber Capital Holdings (Amber Holdings). Như Kinhtechungkhoan.vn đã từng chỉ ra trong bài viết trước đó về Amber Holdings, các lãnh đạo của Tập đoàn này thường có xu hướng đảm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ quan trọng tại đơn vị thành viên.
Hệ sinh thái đa ngành Amber Holdings với 3 mũi nhọn: tài chính - bất động sản - năng lượng |
Trong trường hợp của Helio Energy, Chủ tịch Nguyễn Thị Lan hiện đang là Phó tổng giám đốc Công ty CP Amber Capital và từng là kế toán trưởng của Công ty CP Quản lý Quỹ Amber (Amber Capital) - trụ cột tài chính của Amber Holdings.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Phan Thành Đạt hiện đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty mẹ Helio Power và từng có thời tham gia HĐQT Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (nhiệm kỳ 2019 – 2021 và 2021 – 2023).
Tương tự, Phó tổng giám đốc Bùi Tuấn Dương cũng là nhân sự gắn bó lâu năm với công ty mẹ. Ông từng là Trưởng phòng Đầu tư và hiện là Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Helio Power.
Cũng cần nói thêm, cả cổ đông sáng lập của Helio Energy là Đầu tư năng lượng Heli và công ty mẹ hiện tại là Helio Power còn tồn tại nhiều mối quan hệ chặt chẽ khác với Amber Holdings.
Về Đầu tư năng lượng Heli, doanh nghiệp này được sáng lập bởi Amber Capital - trụ cột tài chính của Amber Holdings cùng hai doanh nghiệp khác là Công ty CP Tư vấn và Đầu Tư Lê Mạnh và Anh Em (Lehanh Brothers) và Công ty TNHH Amino Finance Group.
Trong khi đó, đối với công ty mẹ Helio Power, cả Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của doanh nghiệp này là ông Hoàng Thế Anh và cựu Chủ tịch Trần Anh Thắng đều là những nhân vật cốt cán trong hệ sinh thái Amber Holdings. Cụ thể, ông Trần Anh Thắng là Chủ tịch HĐQT Amber Holdings, Phó Chủ tịch Chứng khoán Nhất Việt. Còn ông Hoàng Thế Anh là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Amber Asset Management – doanh nghiệp phụ trách mảng bất động sản trong hệ sinh thái. Ông Hoàng Thế Anh cũng từng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Nhất Việt nhiệm kỳ 2014 – 2019.
Có thể thấy, dấu ấn của Amber Holdings hiện hữu trên trên từng bước đường phát triển của Helio Energy, mà rõ nét nhất là về nhân sự. Điều đó không chỉ mang tới cho Helio Energy một nền tảng vững chắc mà còn cho thấy vị trí quan trọng của Helio Energy trong lĩnh vực năng lượng của Amber Holdings. Nên biết, sau Chứng khoán Nhất Việt, Helio Energy là doanh nghiệp thứ hai thuộc hệ sinh thái này tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, Helio Energy còn nhận được hậu thuẫn tài chính từ phía EVN Finance – doanh nghiệp vốn có mối “thâm tình” với hệ sinh thái Amber Holdings.
Thời điểm sơ khai của Helio Energy, khi chưa có sự tài trợ của các ngân hàng, EVN Finance đóng vai trò “bệ đỡ” tài chính quan trọng của doanh nghiệp này, với rất nhiều khoản tài trợ phục vụ cho các dự án hệ thống điện mặt trời đầu tiên.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán giai đoạn 1/1/2021 – 20/10/2021 (trước khi Helio Energy cổ phần hoá), Helio Energy chỉ có hai nhà tài trợ là công ty mẹ EVN Finance. Trong đó, EVN Finance do doanh nghiệp này vay 41,8 tỷ đồng, chiếm tới 93% cơ cấu nợ. Số tiền này bao gồm khoản vay đến hạn phải trả trị giá 5,05 tỷ đồng và khoản vay dài hạn trị giá 36,75 tỷ đồng. Theo thuyết minh, khoản vay dài hạn nói trên có liên quan tới 4 hợp đồng tín dụng, có thời hạn 7 năm, được Helio Energy dùng để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà xưởng.
Thời điểm sơ khai của Helio Energy, khi chưa có sự tài trợ của các ngân hàng, EVN Finance đóng vai trò “bệ đỡ” tài chính quan trọng của doanh nghiệp này |
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Helio Energy ghi nhận khoản nợ dài hạn đến hạn trả trị giá 13,6 tỷ đồng và khoản vay dài hạn trị giá 80,3 tỷ đồng đối với EVN Finance. Tổng giá trị các khoản này là gần 94 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nợ vay của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2022, Helio Energy chỉ còn một khoản dài hạn nợ trị giá gần 51,7 tỷ đồng đối với EVN Finance. Đến ngày 30/6/2023, khoản nợ này giảm xuống mức 48,4 tỷ đồng.
Cần biết, trước khi trở thành “bệ đỡ” tài chính của Helio Energy, EVN Finance đã hậu thuẫn cho rất nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Amber Holding, trong đó có các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Cuối năm 2017, Đầu tư Năng lượng Heli (khi ấy còn mang tên Helio Power) đã mang toàn bộ nguồn thu tại dự án Nhà máy điện Mặt trời Mũi Né thế chấp tại EVN Finance.
Sau đó, tới cuối năm 2019, EVN Finance đã đầu tư 300 tỷ đồng vào Đầu tư Năng lượng Heli, tương đương 9,09% vốn điều lệ công ty này. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác của EVN Finance tăng gấp 4 lần so với đầu năm. Đáng chú ý, cũng tài thời điểm cuối năm 2019, hai doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Amber Holding là Amber Capital và Bất động sản Quang Anh (tên cũ của Amber Asset Management) cũng xuất hiện trong danh mục các khoản đầu tư dài hạn khác của EVN Finance.
EVN Finance từng đầu tư vào các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Amber Holdings |
Như Kinhtechungkhoan.vn từng thông tin, mối “thâm tình” giữa Amber Holdings và EVN Finance chưa dừng lại ở đó. Ngày 21/8/2023, EVN Finance đã chi 120 tỷ đồng để mua vào 12 triệu cổ phiếu VFS, qua đó trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Nhất Việt – công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái Amber Holdings. Ở chiều ngược lại, từ ngày 31/8 – 12/9, Amber Capital cũng liên tục mua vào cổ phiếu EVF, nâng tỷ lệ sở hữu tại EVN Finance lên 0,527%.
Tính đến cuối tháng 6/2023, Amber Capital có 124 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại EVN Finance, đồng thời cũng sở hữu 265 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi do EVN Finance phát hành.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đầu tư AFG Đà Nẵng - một doanh nghiệp khác do Amber Capital làm cổ đông sáng lập cũng có liên hệ với EVN Finance. Giữa năm 2019, EVN Finance đã mua lại lô trái phiếu 450 tỷ đồng mà doanh nghiệp này phát hành tại Chứng khoán Nhất Việt.
Ngoài ra, theo giới thiệu của Amber Holdings, EVN Finance cũng kết hợp với một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Amber là Amber Fintech trong việc phát triển Fast Money - dịch vụ cho vay tiêu dùng thông qua các nền tảng trực tuyến như MoMo, My Viettel...
Theo bản công bố thông tin đăng ký giao dịch của Helio Energy, tháng 12/2022, doanh nghiệp này đã trở thành hội viên chính thức của Hội Điện lực Việt Nam. Hiện tại, Helio Energy đang sở hữu tổng cộng 34 công ty con trực tiếp và gián tiếp. Tất cả đều là các đơn vị sở hữu dự án điện mặt trời áp mái mà doanh nghiệp này tiến hành M&A giai đoạn 2021 – 2022.
Các dự án của Helio Energy có tổng cộng suất hoạt động là 38,2 MWp, đã vận hành phát điện vào hai tháng cuối năm 2020, tập trung tại các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như Bình Dương, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Bên cạnh hoạt động sản xuất điện, từ tháng 7/2022, Helio Energy bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, thực hiện dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và Lào, đồng thời mở rộng nghiên cứu hydrogen, năng lượng sóng biển, điện sinh khối.
Về kết quả kinh doanh, trong hai năm gần nhất, cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Helio Energy đều cải thiện rõ rệt. Năm 2022, sau khi cổ phần hoá được một thời gian cũng như thực hiện xong các hoạt động M&A, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng đột biến, lên mức 102,2 tỷ đồng, gấp 5 lần so với 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Helio Energy thời gian gần đây |
Kết thúc nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Helio Energy ghi nhận ở mức 64 tỷ đồng. Trong đó, mang điện đóng góp tới 53 tỷ đồng, tương đương với 82,8% cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 6,1 tỷ đồng, xấp xỉ cả năm 2022. Với kết quả này, Helio Energy đã thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
"Thâm tình" EVN Finance và Amber Holdings: "Cầu nối" Chứng khoán Nhất Việt Amber Holdings và EVN Finance không chỉ cùng là cổ đông lớn tại Chứng khoán Nhất Việt, mà mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp ... |
Những ai đã tham gia vào thương vụ chào bán gần 40 triệu cổ phiếu VFS? Sau nhiều lần nộp hồ sơ đăng ký niêm yết nhưng không thực hiện, ngày 24/07 vừa qua, toàn bộ 80,25 triệu cổ phiếu VFS ... |
ĐHĐCĐ Chứng khoán Nhất Việt: Mục tiêu tăng vốn lên 2.400 tỷ đồng, chuyển niêm yết sang HOSE Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VietFirst, UPCoM: VFS) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 với nhiều kế ... |
Hà Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|