Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ngày 6/12/1962 trong gia đình 10 người con tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông sinh ra trong gia đình nông dân, bố ông là ông Đoàn Tiến Quyết và mẹ là bà Nguyễn Thị Thơm. Ông là người con thứ hai nên về sau mọi người hay gọi với cái tên thân mật "anh Ba".
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai |
Khi ông mới 3 tuổi, cả gia đình chuyển lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Vì nhà nghèo nên từ nhỏ việc gì vất vả ông đã đều làm qua. Gia đình ông chuyên làm ruộng rẫy, làm thuê. Bầu Đức đam mê bóng đá từ nhỏ, còn là tiền đạo xuất sắc, người khởi xướng các trận đấu cho các bạn cùng lứa. Chính niềm đam mê đó đã trở thành động lực cống hiến cho nền bóng đá Việt Nam sau này.
Bầu Đức đã từng lên Thành phố Hồ Chí Minh thi đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 12 năm (năm 1982). Tuy nhiên, cả 4 lần ông đều trượt.
Khi “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”- bầu Đức chia sẻ.
Với ý chí, nghị lực sẵn có, bầu Đức quyết tâm khởi nghiệp sau đó vài năm với công việc ban đầu là điều hành một phân xưởng mộc.
Sau một thời gian tích góp từ việc làm thuê, ông Đức quyết tâm khởi nghiệp bằng cách mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh của xã. Những sản phẩm đầu tiên đều do chính tay ông tự cưa, bào đục đẽo. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, bầu Đức mở xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Năm 2006, cơ sở này chính thức đổi tên thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai kinh doanh đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Khai thác khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, kinh doanh địa ốc và bóng đá.
Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu niêm yết chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Tháng 11/ 2010, tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.
Cũng trong thời điểm đó, chủ tịch HAGL đã rót vốn đậm vào thị trường cao su, khi giá bán đạt đỉnh 5 nghìn USD/tấn bằng các khoản vay ngân hàng, phần lớn đến từ BIDV.
Nhưng sau gần 10 năm sàng lọc từ khách hàng, thị trường, thổ nhưỡng và khả năng của mình, bầu Đức đã chốt lại "1 cây - 1 con: Chuối và heo". Nói thì đơn giản nhưng hành trình hơn một thập kỷ để đi tới lựa chọn này của ông bầu nổi tiếng nhất nhì làng bóng đá Việt Nam không thiếu những đắng cay, còn nỗi vất vả cũng không kể xiết.
"Tôi không làm nhỏ được, mà doanh số 1.000 - 2.000 tỉ đồng trở lên thì chỉ có cây chuối và con heo mới có thể đáp ứng nổi. Tất nhiên là cũng có cây khác nữa nhưng mức độ tạo size (quy mô - PV) không lớn. Ví dụ như thanh long phải chăm sóc rất tỉ mỉ nên chỉ hợp với quy mô hộ gia đình. Riêng chuối, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn, một năm có 365 ngày thì mỗi ngày bao nhiêu? Nên khái niệm tồn kho với chuối là không có" - bầu Đức giải thích.
Hiện HAGL có 5.000 hecta chuối, dự kiến sẽ phát triển lên 10.000 hecta và trở thành một trong những nhà cung cấp chuối lớn trong khu vực và trên thế giới. Cũng nhờ số lượng lớn, Tập đoàn này đã lọt vào nhóm 500 nhà buôn chuối lớn nhất thị trường Trung Quốc. Cứ thứ năm hằng tuần, các thành viên trong nhóm sẽ phát giá, nhà nhập khẩu đặt hàng, sau khi "khớp lệnh", chuối xuống tàu bên này thì phía bên kia, đối tác thanh toán tiền. "Nó giống như sàn đấu giá của các nhà buôn chuối. Mình chào giá, họ đặt hàng, người 10 container, người 20 container... Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất. Nhưng so với nhu cầu 20 triệu tấn mỗi năm của Trung Quốc thì sản lượng chưa được một triệu tấn của cả HAGL và HNG thấm tháp gì đâu" - bầu Đức vẫn thế, chẳng ngại ngần nói về vị thế của mình. Hiện mỗi tuần, khoảng 300 container (40 feet) chuối của HAGL từ cảng Sài Gòn, Cát Lái... qua thẳng Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân (Trung Quốc) rồi tỏa đi khắp thị trường đông dân nhất thế giới này.
Không chỉ ở Việt Nam, bầu Đức cũng chính là người thay đổi diện mạo ngành chuối của Lào, Campuchia. Ông khởi xướng trồng và xây dựng ngành công nghiệp chuối hơn 4 năm trước tại 2 nước này. "Từ năm 2017 tôi bắt đầu trồng với số lượng nhỏ. Đến giờ thì ngay cả "ông trùm chuối" thế giới là Philippinnes cũng "ớn" HAGL. Trước đây, Trung Quốc đời nào qua Việt Nam mua chuối. Nhưng giờ thì tuần nào họ cũng đi cả đoàn sang đây" - bầu Đức nói và đúc kết: Làm cái gì nếu Trung Quốc ăn thì không bao giờ làm nổi. Ngược lại, nếu họ không ăn thì không nước nào sử dụng hết được. Chuối là món khoái khẩu của người dân nước này nên chỉ sợ không có sức mà làm thôi.
Hơn một thập kỷ làm nông nghiệp, hiểu về đất, cây, nhu cầu, thói quen, văn hóa tiêu dùng của thị trường lớn nhất thế giới, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định, xét về tỷ lệ lợi nhuận, chuối là vô địch. "Giá thành khoảng 6.500 đồng/ký, bán 11.000 đồng là lời gấp đôi. Năm nay giá chuối lên kịch trần, chúng tôi đang bán 25.000 đồng/ký, tính tỷ suất lợi nhuận thì làm gì có trái nào bằng. Nên vấn đề lớn nhất của nông nghiệp là đầu ra. Với trái chuối, Trung Quốc chịu ăn rồi là không bao giờ làm đủ cả" - bầu Đức tự tin.
Từng xuất tiểu ngạch rồi chuyển toàn bộ sang chính ngạch, bầu Đức là người hiểu hơn ai hết tâm tính, thói quen, những lắt léo cũng như cơ hội, tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Ông khẳng định, giá và sản lượng là ưu điểm lớn nhất của thị trường này. Đây cũng là lý do mà các tiểu thương, doanh nghiệp Việt Nam bất chấp việc xếp hàng cả tuần, cả tháng ở cửa khẩu Lạng Sơn để đưa hàng qua thị trường Trung Quốc. Như thanh long ở Việt Nam hiện bán 4.000 đồng/ký không ai mua nhưng qua được cửa khẩu, giá lên 50.000 đồng/ký; sầu riêng năm vừa rồi thấp nhất chỉ còn 50.000 đồng/ký nhưng qua được Trung Quốc, giá trung bình 100.000 đồng/ký. "Nông sản của mình qua Trung Quốc đi tiểu ngạch nên bấp bênh chứ đi chính ngạch thì vô tư. Bán được cho họ thì giá cao lắm" - bầu Đức cho biết và khẳng định, quý 1 này, HAGL hoàn thành nhiệm vụ lợi nhuận 270 tỉ đồng một cách nhẹ nhàng.
Hiện chuối của HAGL xuất khẩu qua 3 thị trường là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc ký hợp đồng với giá cố định hằng năm thì Trung Quốc "đấu giá" theo tuần. Tất cả chuối xuất khẩu qua 3 thị trường này đều giống nhau, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, kích cỡ, vệ sinh an toàn thực phẩm từ vườn nuôi trồng tới bàn ăn. "Những yêu cầu này là đương nhiên, anh chỉ cần "cà lăm" (bất nhất) về chất lượng một lần thôi là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi liền, không cần tới lần thứ hai. Chúng tôi với các đối tác giờ không ai nói về mấy cái tiêu chí này nữa, nó là đương nhiên rồi. Chỉ đấu giá, chốt số lượng, chuối xuống tàu là tiền vào tài khoản" - bầu Đức nói.
Nếu chuối chỉ xuất khẩu thì với heo, bầu Đức lại nhắm tới thị trường nội địa. Ông bảo, Việt Nam một năm tiêu thụ 35 triệu con heo, tăng trưởng trung bình 3 - 4%/năm thì "năm 2023 HAGL xuất chuồng khoảng 1 triệu con là quá nhỏ so với dung lượng thị trường. Chưa kể heo của mình lại có sự khác biệt nữa nên có gì phải lo lắng đúng không?" - giải thích bằng một câu hỏi, bầu Đức lại cười sảng khoái. Nhưng ông cũng thừa nhận, chuối và heo - ngoài việc có thể làm công nghiệp, có thể làm lớn thì một lý do quan trọng để ông lựa chọn, đó là tính thanh khoản. "Vì tuổi tôi lớn rồi, nợ vẫn còn nên phải chọn cây nào, con nào nhanh nhất. Heo nái chúng tôi nuôi một năm đẻ ra 26 con heo thịt. Từ lúc đẻ đến lúc xuất chuồng là 5 tháng, đạt trọng lượng 100 ký. Nuôi heo không có gì khó nhưng phải ăn đúng lượng, đúng chất, đầu vào đầu ra phải chuẩn thì lại không dễ. Với chuối sẵn có, chúng tôi kiểm soát được 40% chi phí. Mà trong nuôi heo, thức ăn chiếm 75 - 80% chi phí nên tôi rất tự tin" - ông nói.
Theo kế hoạch, năm nay HAGL sẽ xuất đưa ra thị trường khoảng 400.000 con heo thịt. Bầu Đức đang bắt tay vào xây thêm 9 cụm chuồng trại để đưa số lượng heo thịt lên 1 triệu con vào năm 2023. "Tôi sẽ đẩy lên 2.000 heta chuối ở đây và 1 triệu con heo, lãi dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng, chưa kể các thứ khác nữa. Ai bảo nông nghiệp không thể có doanh thu tỉ USD, không thể lãi ngàn tỉ?".
Ánh Kim
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|