Bất động sản không có đỉnh giá: Các giải pháp bình ổn có hiệu quả?

(Banker.vn) Nhằm “ghìm cương” giá nhà đất, cơ quan quản lý Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để bình ổn thị trường, song điều này dường như chưa mang lại nhiều hiệu quả khi mà giá bất động sản không có đỉnh cụ thể.
2246-binh-on-thi-truong-bat-dong-san
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Báo cáo thị trường nhà ở Hà Nội quý I/2022 của CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp trong quý ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Trong đó, phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở mức 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị.

Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt 1.278 USD/m2, tăng 9% theo năm - mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Các dự án cao cấp tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Tây Hồ ghi nhận mức tăng giá cao hơn trung bình thị trường, từ 10% trở lên theo năm.

Nhiều năm qua, giá nhà tại Việt Nam vẫn miệt mài tăng.

Tại Hà Nội, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2021 đạt khoảng 5.420 USD, tương đương 123 triệu đồng và nếu tuân theo nguyên tắc mỗi cặp vợ chồng hay cá nhân không nên dành quá 1/3 thu nhập cho việc mua nhà thì một cặp vợ chồng tại Hà Nội sẽ cần đến hơn 37 năm để có thể sở hữu căn hộ có giá 3 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc giá nhà đất tăng liên tục xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó có văn hoá đầu tư.

Cụ thể, nhiều người vẫn có tâm lý chọn bất động sản là kênh đầu tư lưu trú an toàn và lâu dài cho dòng tiền, nhất là khi lạm phát tăng cao. Chưa kể, do nhu cầu mua ở thực vượt xa nguồn cung khiến việc tìm mua bất động sản càng sớm càng tốt gia tăng mạnh.

Năm 2022, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án hạ tầng. Điều này đã tạo hiệu ứng tăng giá tích cực cho bất động sản – nơi các dự án đi qua. Ngoài ra, Chính phủ cùng đang siết chặt việc điều tiết thị trường bất động sản thông qua loạt chính sách về thuế, tín dụng, hạn chế phân lô bán nền… Những điều này góp phần làm cho thị trường thêm minh bạch, phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, vì bất động sản không có đỉnh giá và sẽ tăng theo thời gian nên dù có nhiều chính sách, giải pháp đưa ra để bình ổn thị trường thì việc giá tăng là khó tránh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Sen Vàng Group nhận định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn phát triển nóng, những quy định, thông tin đưa ra như siết tín dụng bất động sản chủ yếu dành cho nhà đầu tư lớn, dòng tiền lớn, còn thời điểm hiện tại, nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ có tiền sẵn trong tay vẫn đang lùng sục các thị trường mới, nên trong 1 - 2 tháng tới giá bất động sản vẫn sẽ tăng do cầu từ thị trường tăng, nhất là từ nhà đầu tư cá nhân, thậm chí có thể khiến thị trường nóng sốt cục bộ.

Đánh giá về tác động chính sách, bà Ngọc cho rằng, các chính sách kích cầu của Nhà nước khiến dòng tiền lớn được bơm ra thị trường, do đó động thái siết tín dụng để tránh dòng tiền kích cầu chảy vào bất động sản là cần thiết, cho dù không dễ dàng.

“Dự báo tháng 5 tới thị trường sẽ có nhiều biến động, nhưng các sản phẩm đi theo mô hình có giá trị, có dòng tiền thực thì vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Hơn nữa, khó khăn cũng sẽ không kéo dài, khi năm 2023 được cho là thời điểm thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn, từ đó tạo thuận lợi hơn cho dòng sản phẩm có giá trị thực”, bà Ngọc cho hay.

Thuận Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán