Bất động sản bán lẻ: Cầu ổn định, cung mới hạn chế đẩy giá thuê ở mức cao

(Banker.vn) Trong khi nguồn cầu ổn định và có xu hướng tăng thì nguồn cung mới của bất động sản bán lẻ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn khá hạn chế.
Giá thuê bất động sản bán lẻ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cạnh tranh hơn các nước châu Á Số hóa ngành bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng và mục tiêu tỷ đô của One Mount Đón đầu cơ hội với bất động sản bán lẻ

Thị trường đang sôi động hơn

Thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên sôi động hơn vào quý III với nhiều dự án mở mới trên khắp cả nước. Có thể kể như Tập đoàn Lotte vừa khai trương Trung tâm thương mại Lotte Mall Westlake Hà Nội nằm tại quận Tây Hồ với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2 (chưa bao gồm diện tích hầm và thủy cung). Tính đến hiện tại, đây là một trong những dự án trung tâm thương mại lớn nhất tại Hà Nội. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza trở lại với diện mạo mới sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ. Cả hai trung tâm thương mại này đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy gần như 100% với ngành hàng đa dạng và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Bất động sản bán lẻ: Cầu ổn định, cung mới hạn chế đẩy giá thuê ở mức cao
Dự án Trung tâm Thương mại Thiso Mall Sala tại Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)

Hay như mới đây, các ông lớn trong ngành bán lẻ là Central Group và Aeon Mall cũng đẩy mạnh mở rộng tại các tỉnh thành ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; trong đó Central Retail tung ra thị trường thương hiệu nội thất “Come Home”, Mini Go! mở tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và Điện Bàn, Quảng Nam; Aeon khai trương mô hình mới “siêu thị linh hoạt” tại TP. Mới Bình Dương. Thêm nữa, Thiso Retail (thuộc Tập đoàn Thaco) đang ráo riết hoàn thiện dự án Emart thứ 3 của mình tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Xa hơn, trong năm 2024, Aeon Mall Huế dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động với gần 138.000 m2 diện tích sàn. Đây sẽ là trung tâm thương mại đầu tiên tại miền Trung của Aeon tại Việt Nam.

Cầu ổn định, giá thuê cải thiện

Theo CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhờ vào nguồn cầu ổn định và nguồn cung mới hạn chế, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt về giá thuê. Đặc biệt, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều nằm trong danh sách những thành phố dẫn đầu về mức tăng trưởng giá thuê tại khu vực trung tâm trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục được hưởng lợi từ việc nguồn cung khan hiếm. Trong quý III/2023, giá thuê tại khu vực trung tâm cho tầng trệt ở TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 200 - 350 USD/m2/tháng. Tại Hà Nội, giá thuê trung bình khu vực trung tâm cho tầng trệt không thay đổi nhiều so với quý trước, ở mức 162 USD/m2/tháng. Hầu như không có diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm ở cả hai thành phố cho các thương hiệu cao cấp, thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường.

Ghi nhận của CBRE cũng cho thấy, tại khu vực TP. Hồ Chí Minh ở khu vực ngoài trung tâm mức giá thuê là 48,5 USD/m2, tăng gần 4% so với quý trước và hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội, giá thuê khu vực ngoài trung tâm đạt hơn 28 USD/m2/tháng, tăng 4% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các trung tâm thương mại mới, quy mô lớn, với ngành hàng đa dạng và được xem là “trung tâm mua sắm một điểm đến” đều ghi nhận mức giá thuê tăng trưởng tốt qua các năm. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường TP. Hồ Chí Minh xấp xỉ 91,5%, tăng 2 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường đạt 87%, tương đương với quý trước nhưng tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ giá thuê ở khu vực trung tâm ở mức cao và có sự khác biệt với ngoài trung tâm, theo bà Giang Huỳnh chuyên gia của Savills TP. Hồ Chí Minh, là do nguồn cung của khu vực này rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung của thị trường trong khi nhu cầu hiện diện ở trung tâm của các nhãn hàng, thương hiệu lại rất cao.

Liên quan đến nguồn cầu từ người tiêu dùng, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết: Thị trường bất động sản bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tạm thời được hưởng lợi từ việc nguồn cung mới khan hiếm, nhờ vậy giá thuê tăng và tỷ lệ lấp đầy trung bình cũng được cải thiện. Mặc dù thị trường tiêu dùng vẫn có những thách thức nhất định trong ngắn hạn, với những quan ngại về sự hồi phục của nền kinh tế, lòng tin người tiêu dùng hiện nay vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn năm 2019, nhưng đối với những ngành hàng như F&B, vui chơi giải trí, thời trang nhanh vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng.

Nhu cầu của tầng lớp trung lưu dẫn dắt thị trường

Báo cáo của Savills ghi nhận trong quý III/2023, các giao dịch thuê bất động sản bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ ngành F&B, thời trang, sức khỏe và làm đẹp và giải trí. Với mật độ dân số cao và mức giá thuê đa dạng hơn, khu vực ngoại trung tâm vẫn thu hút các giao dịch mở rộng lớn.

Theo khảo sát các giao dịch thuê của Savills trong quý III/2023, khách thuê dịch vụ ăn uống (F&B) chiếm 37% tổng diện tích thuê, thời trang chiếm 24% thị phần; sức khỏe & làm đẹp và giải trí chiếm 13% thị phần mỗi nhóm ngành. Nhờ mật độ dân số cao và mức giá thuê đa dạng hơn, khu vực ngoài trung tâm tiếp tục có các giao dịch mở rộng lớn.

“Trong 9 tháng vừa qua, đa số các giao dịch thuê mới tại thị trường bán lẻ đều đến từ ngành F&B, thời trang. Động lực tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu với nhu cầu cao về các hoạt động ăn uống, mua sắm và giải trí đã thúc đẩy sự hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này”, bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills phân tích.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục