Bắt đáy ko xuể, cổ phiếu HPG lại lấy đi 1,55 điểm của thị trường

(Banker.vn) Với phiên giảm hôm nay, cổ phiếu HPG trở thành mã tiêu cực nhất trên thị trường và lấy đi của VN-Index 1,55 điểm. Thị giá của cổ phiếu đầu ngành thép này cũng rơi về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2020 - tương ứng mức thấp nhất 2 năm.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (sàn HOSE) tưởng như đã tạo xong đáy dài hạn trong tuần trước. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. HPG tiếp tục lao dốc mạnh trở lại trong phiên cuối tháng 10/2022. Đầu phiên hôm nay 31/10, cổ phiếu HPG bị bán sàn tới hơn 7 triệu đơn vị về mức 15.650 đồng. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này hồi lên mức 16.000 đồng thị giá xong áp lực bán mạnh từ các nhóm đầu tư (đặc biệt là khối ngoại) đã cầm chân cổ phiếu này tại mức sàn đến khi đóng cửa.

Bắt đáy ko xuể, cổ phiếu HPG lại lấy đi 1,55 điểm của thị trường

Đáng nói, đây cũng là mã VN30 duy nhất giảm sàn trong ngày thị trường lửng lơ vùng tham chiếu. Trước đó trong phiên, cổ phiếu NVL cũng đã bị bán sàn trước khi thu hẹp đà giảm còn 3,4%.

Với phiên giảm hôm nay, cổ phiếu HPG trở thành mã tiêu cực nhất trên thị trường và lấy đi của VN-Index 1,55 điểm. Thị giá của cổ phiếu đầu ngành thép này cũng rơi về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2020 - tương ứng mức thấp nhất 2 năm.

Một điểm đáng chú ý nữa là thanh khoản cổ phiếu HPG phiên này tăng mạnh lên mức 66,3 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ phiên 3/3/2022 (đạt 72,2 triệu cổ phiếu).

Thanh khoản phiên này chủ yếu tập trung tại mức giá sàn với 45,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong đó nhà đầu tư mua sàn chủ động hơn 23,1 triệu cổ phiếu, bán sàn chủ động hơn 14,7 triệu cổ phiếu và bán sàn ATO hơn 7 triệu cổ phiếu.

Tổng số lệnh đặt mua/bán cổ phiếu HPG phiên này vượt 30.000 lệnh... và xu hướng mua vào (bắt đáy) đang chiếm ưu thế với hơn 52,3%.

Mặc dù đã bị bán sàn tới hơn 45 triệu đơn vị song đến cuối phiên, cổ phiếu HPG vẫn ghi nhận tình trạng dư bán sàn tới 1,8 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy bên nắm giữ vẫn đang khá bất an trong việc "giữ hàng".

Điểm nhấn đang chú ý nhất phiên hôm nay đến từ động thái quyết liệt của khối ngoại khi nhóm này mạnh tay xả bán tới hơn 20 triệu cổ phiếu HPG với giá trị bán ròng ở mức 316 tỷ đồng. Phiên trước đó, nhóm này cũng bán ròng tới 8,1 triệu cổ phiếu HPG.

Các động thái không vui liên tiếp đến với cổ phiếu này kể từ sau khi tập đoàn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 "thê thảm" trong đó tính riêng quý 3/2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ còn 34.441 tỷ đồng; lỗ ròng 1.786 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi lớn.

Theo lý giải của HPG, kết quả kém lạc quan là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Lũy kế 9 tháng, HPG đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu thuần (trong ĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu) và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.

Không riêng gì HPG, các doanh nghiệp thép lớn khác cũng đều báo lỗ nặng quý này.

Triển vọng của ngành thép trong thời gian tới

Nhận định về nhóm cổ phiếu thép, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu ngành thép, nhất là 3 cổ phiếu đầu ngành: HPG, HSG và NKG đã mất khoảng 55-65% thị giá trong vòng một năm trở lại đây nên đã kích hoạt dòng tiền tham gia “bắt đáy”. Tuy nhiên, khó khăn có lẽ vẫn còn ở phía trước khi nhu cầu sử dụng thép trong nước ở mức thấp, còn triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect đối với cổ phiếu HPG, việc giá thị trường xuống ngang bằng với giá trị sổ sách là điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn 2011-2012.

Theo Công ty Chứng khoán Agriseco, với việc đã giảm trước nhiều loại hàng hóa khác, giá thép có thể sẽ khó giảm mạnh nữa mà thiên về khả năng đi ngang. Thậm chí giá thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng.

Trong báo cáo mới đây về ngành thép, Công ty Chứng khoán VCBS dự báo giá thép sẽ hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.

Thực tế, trong 8 tháng năm 2022, sản xuất và tiêu thụ thép giảm lần lượt là 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 9, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đang ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua (555.000 tấn).

Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa - mùa thấp điểm xây dựng đã qua, quý IV là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Bên cạnh đó, đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm. Và giá thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại, dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán