Dự án cung cấp nhiệt Nhà máy bia Heineken của Indochine Imex. |
Những ngày gần đây, "dân tình" không giữ nổi bình tĩnh khi chứng kiến hàng loạt phiên tăng kịch biên độ (10%) của cổ phiếu DDG (Indochine Imex, Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương).
Trên các diễn đàn chứng khoán, không hiếm nhà đầu tư phấn khởi khoe lãi lớn khi chốt lời cổ phiếu DDG, cá biệt có người vì "bắt đáy" thành công nên tài khoản tăng gấp rưỡi chỉ trong vòng chưa đầy một tuần (từ 6.000 đồng/cp lên 9.x00 đồng/cp).
Đà tăng trần của DDG khởi động từ ngày 10/5, và cập nhật đến 10h sáng 16/5, cổ phiếu này vẫn chưa giảm độ nóng, tiếp tục "trắng" bên bán với khối lượng đặt mua giá cao nhất hơn 80.300 đơn vị.
Và dù chỉ mới mở cửa thị trường ít lâu, song cũng đã có hơn 3,4 triệu cổ phiếu DDG được "đổi chủ", ngang ngửa so với khối lượng thanh khoản của cả phiên 15/5.
Như vậy, trong trường hợp chốt phiên hôm nay (16/5) cổ phiếu DDG vẫn giữ được phong độ tuyệt đối thì ban lãnh đạo Indochine Imex sẽ phải giải trình trước Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX nguyên nhân cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trước khi diễn biến hân hoan "nổ" ra, cổ phiếu DDG cũng thu hút chú ý của giới đầu khi có đến... 19 phiên "quét sàn" liên tiếp, kéo thị giá "rớt" xuống vùng thấp nhất trong lịch sử (từ 42.000 đồng/cổ phiếu). Điều đó khiến lãnh đạo Indochine Imex phải 3 lần gửi văn bản giải trình tới HNX, trong đó lần 1 từ ngày 10-14/4; lần 2 từ ngày 17-21/4 và lần 3 từ ngày 24-28/4.
Theo Indochine Imex, việc giá cổ phiếu giảm triền miên là do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán, khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Indochine Imex khẳng định nguyên nhân là từ diễn biến thị trường, đồng thời cho biết doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trượt dốc chưa từng thấy, một loạt lãnh đạo và người thân của Indochine Imex có động thái đăng ký bán mạnh cổ phiếu DDG trong khoảng thời gian từ 10/5 - 5/6/2023.
Tiêu biểu, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT đã 2 lần đăng ký bán cổ phiếu với tổng số lượng hơn 1,2 triệu đơn vị. Nếu đợt giao dịch này hoàn tất, Chủ tịch HĐQT Indochine Imex sẽ hạ tỷ lệ sở hữu xuống 4,81%, tương đương 2,88 triệu cổ phiếu, đồng nghĩa với việc không còn là cổ đông lớn doanh nghiệp.
Tương tự, bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng đăng ký bán gần 500.000 cổ phiếu trong cùng giai đoạn trên, theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh. Trước đó, ông Quang và bà Sa đều bị Công ty Chứng khoán BSC bán giải chấp hàng trăm nghìn cổ phiếu, khi thị giá lao dốc. Ước tính sau giao dịch, bà Sa sẽ giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ còn 3,17 triệu cổ phiếu (khoảng 5,3% vốn điều lệ).
Bà Yang Kiều An - con gái bà Sa cũng đăng ký bán toàn bộ 476.200 cổ phiếu đang nắm giữ với lý do tài chính cá nhân. Ông Yan Tuấn Anh, một người con khác của bà Sa, hiện là người phụ trách quản trị Indochine Imex đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDG, tương đương hơn một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ.
Một điểm đáng lưu tâm, không chỉ thời điểm cổ phiếu DDG bắt đầu tăng trùng với thời gian đăng ký bán ra của các lãnh đạo, người thân mà còn xảy ra cùng lúc với thời điểm đáo hạn lô trái phiếu 300 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, trái phiếu có mã DDGH2123001, phát hành vào ngày 10/05/2021, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào 10/05/2023. Lãi suất trái phiếu là 11,5%/năm, kỳ hạn trả lãi 6 tháng/lần. Trái chủ bao gồm 33 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và 3 nhà đầu tư tổ chức.
Tính ra, ngày 10/5, Indochine Imex sẽ phải thanh toán cả gốc cả lãi cho nhà đầu tư với tổng số tiền 317 tỷ đồng. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất, hệ thống lò hơi và tài sản trên đất thuộc sở hữu của công ty tại Khu công nghiệp Trà Nóc II. Số tiền thu về được dùng để đầu tư vào dự án đầu tư sản xuất hơi và sấy hèm ở nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu giai đoạn 2, dự án thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ lò hơi.
Diễn biến cổ phiếu DDG gây "choáng" với giới đầu tư. |
Indochine Imex có tên cũ là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành, được thành lập ngày 25/6/2010, vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt - điện.
Tháng 12/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, và một năm sau, Indochine Imex chính thức đưa 12 cổ phiếu DDG lên giao dịch trên sàn HNX.
Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đã xấp xỉ 600 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm mới chào sàn. Cơ cấu cổ đông khá loãng với 96,5% cổ phần nằm trong tay các cá nhân, nhưng chỉ có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT nắm 6,48% và bà Trần Kim Sa - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 6,39% (cập nhật đến cuối 2022).
Indochine Imex có truyền thống chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong 5 năm lên sàn, cổ đông doanh nghiệp chưa một lần nhận cổ tức bằng tiền, dù có những năm kết quả kinh doanh của Indochine Imex khá tốt.
Chẳng hạn, năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 975 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 44,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 7% so với cùng kỳ.
Sang năm 2023, Indochine Imex lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái.
Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, Indochine Imex sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, Indochine Imex đánh giá năm nay vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành năng lượng nói riêng.
Thực tế, trong quý I/2023, doanh thu của Indochine Imex giảm 8% so với cùng kỳ xuống còn 159 tỷ đồng. Do chi phí giá vốn hàng bán và chi phí vận hành tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 200 triệu đồng, giảm đến 99% cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, Indochine Imex còn cách rất xa các chỉ tiêu đề ra.
Tính đến cuối quý I/2023, quy mô tổng tài sản của Indochine Imex giảm nhẹ 1% so với đầu năm, đạt hơn 1.828 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm phần lớn tổng tài sản (44% tỷ trọng), xếp sau là khoản phải thu ngắn hạn (hơn 640 tỷ đồng), chi phí xây dựng dở dang (hơn 223 tỷ đồng).
Trong danh mục đầu tư của Indochine Imex, ngoài dự án cung cấp nhiệt Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu như vừa đề cập, doanh nghiệp còn đầu tư và thực hiện nhiều công trình như: Nhà máy điện rác BIWASE, nhà máy xử lý rác thải Long An, dự án lò hơi cấp nhiệt công suất 35 tấn/giờ tại Cần Thơ cho công ty Suntory Pepsico Việt Nam; dự án cung cấp hơi công suất 25 tấn/giờ cho Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Tiền Giang; dự án cấp hơi Công xuất 18 tấn/giờ cho nhà máy giấy Đồng Tiến; dự án cung cấp nhiệt sấy mủ cao su với công suất 25 tấn/giờ cho Công ty TNHH SX và TM Linh Hương; dự án cung cấp hơi công suất 7,5 tấn/giờ cho Công ty CP Tôn Đông Á; khu công nghiệp Mỹ Xuân A giai đoạn 3...
Về cấu trúc nguồn vốn, nợ phải trả tại thời điểm 31/03/2023 của Indochine Imex đạt gần 1.050 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay với gần 940 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn gần 820 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Đông Dương (DDG): Tổng giám đốc bán cổ phiếu giữa lúc thị giá giảm sàn 15 phiên liên tiếp Bà Trần Kim Sa, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương - Indochine ... |
Cổ phiếu DDG bất ngờ "trỗi dậy" sau 19 phiên nằm sàn Trong phiên sáng 10/5, hơn 6,4 triệu cổ phiếu DDG tương đương 10,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty CP Đầu tư ... |
Nợ xấu trái phiếu, bất động sản sẽ “truyền dẫn” sang hệ thống ngân hàng? Mặc dù nợ xấu đang tăng nhanh song giới chuyên gia vẫn cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đến ... |
Thanh Phong
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|