Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng cao so với thế giới

(Banker.vn) Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng nên áp lực trong quý cuối năm sẽ là rất lớn.
Nhiều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 cao nhất chỉ ở mức 6% Kinh tế Việt Nam vượt “cơn gió ngược”, tạo thế, lực và niềm tin để vững vàng tiến lên phía trước
Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng cao so với thế giới
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: GSO

Thưa bà, bà đánh giá như nào về đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay?

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương đã được thể hiện qua số liệu của tất cả các ngành và lĩnh vực. Đơn cử, nông nghiệp đang duy trì ở mức tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới có nhu cầu cao về lương thực và đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam đã khai thác được các thị trường, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới. Nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào cả thị trường truyền thống và thị trường mới trên trường quốc tế. Hoạt động nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Công nghiệp hiện đang khó khăn khi châu Âu, Mỹ cũng như một số cái đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều sụt giảm nhu cầu. Nước ta đã cố gắng đàm phán kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nối lại thị trường và khai thác khi có dấu hiệu tích cực. Đồng thời, mở rộng thị trường, ký thêm các cái hợp tác đa phương và song phương.

Xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong tháng 9 đã trở lại mức tăng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và khách quốc tế khởi sắc khi Chính phủ ban hành các chính sách.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu và các cơ quan có liên quan để tích cực tháo gỡ từ thể chế đến hoạt động triển khai để tăng năng lực của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Thu hút đầu tư của nước ngoài vẫn là những điểm sáng. Chúng ta đã đảm bảo được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, giữ chân họ và thu hút thêm những dự án mới, nhà đầu tư mới.

Áp lực tăng trưởng trong quý cuối năm sẽ rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị điều chỉnh giảm. Quan điểm của bà như thế nào?

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng trưởng 4,24%, chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng là rất cao trong khu vực và trên thế giới khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận đà sụt giảm. Nhiều tổ chức đánh giá những khu vực có tỉ trọng lớn, đóng góp tăng trưởng kinh tế toàn cầu như EU cũng giảm từ mức 3,5% năm ngoái xuống dưới 1% trong năm nay. Do đó, Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Nếu năm nay dự kiến GDP tăng trưởng trên 5% thì cũng không đáp ứng được mục tiêu trung bình mỗi năm của giai đoạn 2021 - 2025. Do đó gánh nặng trong 2 năm tới sẽ rất cao khi mức tăng trưởng mỗi năm phải từ 8 - 9% (bình quân 5 năm là từ 6,5 - 7%).

Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc trong quý cuối cùng của năm 2023, thưa bà?

3 động lực chính hiện nay nhìn từ phía cầu của nền kinh tế là tích luỹ, tiêu dùng và xuất khẩu. Về tích luỹ (liên quan đến đầu tư toàn xã hội, dự trữ tạo nền tảng hạ tầng cho sản xuất), con số đang khá tốt với sự dẫn dắt của đầu tư công, đặc biệt là đầu tư hạ tầng. Khai thác với vốn mồi từ ngân sách (chiếm 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).

Về tiêu dùng, nhờ khai thác tốt tiêu dùng trong nước nên tổng mức bán lẻ trong quý vừa qua đã tăng tích cực gần 8% sau khi trừ biến động giá. Về xuất khẩu, tình hình đã khởi sắc khi khai thác tốt các thị trường trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dần phục hồi. Chênh lệch xuất nhập khẩu đang cao trên 20 tỉ USD cho thấy chúng ta đang cố gắng giữ được cân đối tốt trong cả 3 lĩnh vực trên.

laodong.vn

Theo: Báo Công Thương