''Bắt bệnh'' lý do sản phẩm OCOP vẫn còn vắng bóng tại các siêu thị

(Banker.vn) Dù “dấu ấn” OCOP đã tương đối rõ nhưng việc tiêu thụ còn những khó khăn, đòi hỏi các giải pháp thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử Lễ hội 'Tự hào đặc sản Việt': Đưa hàng Việt đến gần hơn người tiêu dùng Khai mạc Ngày hội nông sản OCOP và văn hoá ẩm thực 6 tỉnh phía Bắc năm 2024

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” do Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP. Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức sáng 26/8, tại Hà Nội.

Hà Nội đã có trên 2.769 sản phẩm OCOP được phân hạng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị - cho hay, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc Tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị - phát biểu khai mạc tọa đàm

Chương trình này ra đời với 3 mục tiêu gồm: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước đã và đang khẳng định được chất lượng. Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước ghi dấu trên bản đồ Việt Nam lẫn bản đồ nhiều nước trên thế giới.

Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan đã rất quan tâm, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đi muôn nơi với các hình thức ngày càng hiệu quả và bền vững.

Dù “dấu ấn” OCOP đã tương đối rõ, tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ… Do đó, việc thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị là hết sức quan trọng.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng nhau trao đổi, bàn thảo, chia sẻ, đề xuất giải pháp kiến nghị để đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội - phát biểu tại tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội - thông tin, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kế nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm...; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố đến các quận, huyện, thị xã... góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Từ đó đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần mang lại thành công của cuộc vận động trên địa bàn thành phố trong những năm qua, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện qua các cơ chế, chính sách của thành phố cũng như được đông đảo người tiêu dùng biết và tin dùng thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố.

Tuy nhiên, nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động trong hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô chưa được quán triệt sâu rộng. Kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện. Chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế,…

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Ông Phạm Anh Tuấn cho hay, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng, Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp, một trong những giải pháp đó là đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị.

"Việc thúc đẩy sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giúp hàng Việt nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt…", ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Cần sự chung sức của cả hai phía

Về phía ngành Công Thương, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - thông tin, trong thời gian qua, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Theo đó, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và có chỗ đứng tại hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Thế Hiệp cho rằng, về phía các chủ thể, cần khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên. Về phía hệ thống siêu thị phải có những hỗ trợ tốt hơn cho các chủ thể OCOP.

“Ngoài chiết khấu 0%, một số siêu thị đã tổ chức các tuần hàng, chợ phiên chuyên đề sản phẩm OCOP tại ngay khuôn viên siêu thị. Bên cạnh đó, các nhà phân phối, hệ thống siêu thị cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể, từ đó, các chủ thể OCOP biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, khả năng đáp ứng yêu cầu của siêu thị”, ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin.

Ở góc độ siêu thị, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông - thông tin, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, hợp tác xã cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Việc thiết kế bao bì không chỉ bắt mắt, thu hút khách hàng, để người tiêu dùng hiểu hơn câu chuyện sản phẩm. Qua đây, hệ thống siêu thị có thể kết nối và đưa nhiều hơn sản phẩm vào kênh phân phối của Saigon Co.op.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục