Bảo vệ người gửi tiền trong dịch vụ gửi tiền và cho vay ngang hàng

(Banker.vn) Dưới sự tác động của thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo, sự phát triển của thị trường tài chính, ngân hàng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn, kéo theo sự xuất hiện nhiều sản phẩm tài chính công nghệ cao thông qua ứng dụng nền tảng kỹ thuật số, đặt ra nội dung cần quan tâm tới an toàn cho đối tác sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ gửi tiền và cho vay trực tuyến không qua ngân hàng là điển hình mới nổi của trào lưu đó. Bên cạnh tiện ích mà dịch vụ này có thể mang lại cho người sử dụng, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cần được nghiên cứu và làm rõ. Để tiếp cận nội dung này, nội dung bảo vệ người gửi tiền trong dịch vụ ngân hàng truyền thống được tổng kết, là cơ sở đánh giá khả năng bảo vệ người gửi tiền trong hoạt động gửi tiền và cho vay ngang hàng (P2P). 
 
Bảo vệ người gửi tiền trong hoạt động ngân hàng truyền thống
 
Khó khăn trong hoạt động ngân hàng dẫn tới rủi ro cho người gửi tiền, là thực tiễn mà ngân hàng trên toàn cầu đã trải qua. Nhu cầu cần được bảo vệ đối với người gửi tiền, chủ nhân của khoản tài chính đã tin tưởng trao cho ngân hàng kinh doanh, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, thôi thúc sự ra đời và phát huy tác dụng của công cụ bảo hiểm tiền gửi. Cho tới nay, trên thế giới có hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Công cụ bảo hiểm tiền gửi bảo vệ người gửi tiền dưới 2 hình thức là bảo vệ trực tiếp và bảo vệ gián tiếp. Trong cơ chế bảo vệ người gửi tiền của công cụ bảo hiểm tiền gửi, điều kiện tiên quyết để người gửi tiền được công cụ bảo hiểm tiền gửi bảo vệ bao gồm hai nội dung: (i) tiền được gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; (ii) tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm tiền gửi.
 
Bảo vệ trực tiếp
 
Công cụ bảo hiểm tiền gửi bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua chi trả bảo hiểm tiền gửi. Người gửi tiền tại ngân hàng sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi bảo vệ trực tiếp khi ngân hàng của họ gặp rủi ro, không tiếp tục hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ thay ngân hàng trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền. Hình thức bảo vệ trực tiếp được diễn ra khi ngân hàng có khó khăn, phải chấm dứt hoạt động.
 
Bảo vệ gián tiếp
 
Bên cạnh được bảo vệ trực tiếp khi có sự kiện bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền tại ngân hàng được tổ chức bảo hiểm tiền gửi bảo vệ gián tiếp qua hoạt động giám sát rủi ro của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ có tác dụng bảo vệ gián tiếp người gửi tiền, bao gồm: hỗ trợ tài chính tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ xử lý khó khăn, hỗ trợ giám sát thu hồi thanh lý…
 
Dịch vụ gửi tiền và cho vay ngang hàng trực tuyến không qua ngân hàng
 
Gửi tiền và cho vay ngang hàng, còn được gọi là gửi tiền và cho vay trực tuyến không qua ngân hàng (gọi tắt là P2P), là hoạt động kết nối đầu tư trực tiếp giữa người cho vay (người gửi tiền) và người vay thông qua nền tảng công nghệ mà các công ty cho vay ngang hàng cung cấp (qua website, ứng dụng điện thoại di động...), không thực hiện qua ngân hàng truyền thống. 
Cho vay ngang hàng thực sự được biết đến rộng rãi khi có hai công ty khởi xướng, Zopa của Anh vào năm 2005 và Prosper của Mỹ vào năm 2006. Đây là những công ty cho vay ngang hàng đầu tiên trên thế giới, nơi người đi vay và người cho vay không cần thông qua ngân hàng mà vẫn hoàn toàn có thể giao dịch trực tiếp với nhau thông qua một nền tảng ứng dụng công nghệ cho hoạt động cho vay ngang hàng (Mārtiņš Šulte, Mintos, 2018).
 
Nội dung bảo vệ người gửi tiền trong dịch vụ gửi tiền và cho vay ngang hàng có hạn chế nhất định
 
Cho tới nay, sau hơn 14 năm triển khai, P2P không được nhìn nhận là một phần của dịch vụ ngân hàng truyền thống. Các tổ chức cung ứng dịch vụ P2P thực chất chỉ là tổ chức cung ứng ứng dụng công nghệ. Tiền vốn trong kinh doanh của công ty cung ứng dịch vụ P2P nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền gửi mà họ kết nối với người vay trực tuyến. Hơn nữa, họ không kiểm soát khoản vay theo cách thức là chủ tài sản có như ngân hàng thông thường. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro người vay tiền không trả được tiền vay cho người gửi tiền (người cho vay), tổ chức cung ứng P2P không có khả năng tài chính để giải quyết khó khăn.
Xét về phương diện tiêu chí tiên quyết trong bảo vệ người gửi tiền theo cơ chế bảo hiểm tiền gửi, tổ chức cung ứng P2P không phải là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, tiền gửi của người cho vay trong chuỗi dịch vụ P2P không thuộc đối tượng bảo vệ của công cụ bảo hiểm tiền gửi.  
 
Cần thận trọng
 
Mặc dầu tới nay, hoạt động P2P đã phổ biến ở quy mô đáng kể tại một số quốc gia có trình độ phát triển cao về hoạt động ngân hàng (CBinsight, 2018), quản lý, điều hành và kiểm soát rủi ro đối với dịch vụ này là thách thức lớn. Với nhu cầu lớn về vốn của hầu hết các nền kinh tế và gửi tiền là kênh đầu tư phổ biến trong công chúng, dịch vụ P2P có chiều hướng gia tăng nhanh cả về quy mô giá trị và diện rộng. Thực tiễn đó, đặt ra nhu cầu cần nghiên cứu phương thức kiểm soát rủi ro đối với dịch vụ P2P nói chung và công cụ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tham gia dịch vụ  này nói riêng. 
Do đặc tính dịch vụ P2P kết nối trực tiếp giữa người gửi tiền và người vay tiền, chức năng chủ sở hữu tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng trên thực tế không còn phù hợp với vai trò của chủ sở hữu ứng dụng P2P. Vì vậy, vai trò giám sát, kiểm tra, chịu trách nhiệm của chủ sở hữu đối với giá trị cho vay và đi vay bị xem nhẹ hoặc biến thể. Đồng thời, các tiêu chí về vốn chủ sở hữu liên quan tới hạn mức huy động tiền gửi và cho vay tối đa, không đáp ứng tiêu chí kiểm soát rủi ro thanh khoản. Vốn chủ sở hữu của tổ chức cung ứng dịch vụ P2P không đáp ứng là nguồn tài chính đầu tiên giải quyết khó khăn khi người vay không trả được nợ. Một vài khía cạnh liên quan trực tiếp tới cội nguồn phát sinh rủi ro trong kinh doanh tiền tệ được đề cập ở đây cho thấy, mức độ rủi ro lớn có thể xảy ra trong hoạt động P2P. Thiết nghĩ, khi quyết định tiếp cận dịch vụ P2P cần cân nhắc tới rủi ro và tổn thất không có gì đảm bảo mà dịch vụ này có thể gây ra.
 
Tài liệu tham khảo:
 
- CBinsight, 2018, Timeline: The first decade of alternative lending, https://www.cbinsights.com/research/alternative-lending-timeline-expert-intelligence/#regulation;
- Mārtiņš Šulte, Mintos, 2018, Revolutionizing finance - the history of the peer to peer lending industry, Alternative Finance Services Association of Latvia. https://www.lafpa.lv/en/blog/revolutionising-finance-the-history-of-the-peer-to-peer-lending-industry/.

ThS. Hồ Thanh Xuân

(TCNH số 5/2020)
Theo Tạp chí Ngân hàng (Link gốc)
Theo: