Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được xây dựng ở đâu?

(Banker.vn) Chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để xây dựng các bảo tàng; đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam, kết luận của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị lưu ý vị trí đặt sân bay thứ hai ở Hà Nội Hà Nội: Công bố 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn Bộ Chính trị Kết luận về Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Sau khi xem xét tờ trình, báo cáo của Thành ủy Hà Nội về nội dung trên, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch.

Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được xây dựng ở đâu?
Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam được Quy hoạch xây tại Trung tâm chính trị Ba Đình. (Ảnh: Báo Dân Trí)

Bộ Chính trị xác định, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính Quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời, lưu ý nhấn mạnh một số nội dung; trong đó Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Trong đó, Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó là phải kiên định quan điểm "con người là trung tâm của sự phát triển", "văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô".

Xác định giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.

Nội dung Kết luận của Bộ Chính trị xoay quanh các vấn đề nghiên cứu cẩn trọng đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua trung tâm Hà Nội; nghiên cứu kinh tế đêm; xử lý dứt điểm vấn đề ngập úng; nghiên cứu để trục sông Hồng trở thành trung tâm phát triển của và sẽ là "biểu tượng phát triển mới" hướng tới phát triển cho thế hệ tương lai… và trong đó đề cập đến nội dung xây Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng; đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh...

Xây dựng mô hình quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường thêm các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành, đặc biệt xanh hóa ở khu vực nội đô lịch sử. Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới

Đoàn Tuấn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục