Bão số 3 và hoàn lưu bão gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục

(Banker.vn) Bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 52 học sinh, trẻ em tử vong; 03 học sinh mất tích; nhiều cơ sở giáo dục, thiết bị dạy học bị hư hỏng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Thiệt hại do bão, lũ gây ra vẫn còn rất lớn Hơn 95% khách hàng miền Bắc được cấp điện trở lại sau bão số 3 Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho người dân vùng bão lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đối với ngành Giáo dục, công tác triển khai ứng phó và giải pháp khắc phục hậu quả.

Nhiều cơ sở trường học bị hư hỏng nặng

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong; 03 học sinh bị mất tích, 08 học sinh bị thương; 03 giáo viên tử vong, 01 giáo viên mất tích.

Cụ thể, học sinh, trẻ em tử vong: Cao Bằng 06 học sinh; Lào Cai 35 học sinh (huyện Văn Bàn 01 học sinh; huyện Si Ma Cai 02 học sinh; huyện Bảo Yên 24 học sinh; huyện Bát Xát 03 học sinh; huyện Bắc Hà 05 học sinh; Yên Bái 09 học sinh (Lục Yên 02, Văn Chấn 01, Văn Yên 01, thành phố Yên Bái 04, THPT Hoàng Văn Thụ 01); Thái Nguyên 02 trẻ em.

Học sinh, trẻ em mất tích: Lào Cai 01 học sinh lớp 5 Trường PTDTBT TH&THCS Ngải Thầu mất tích do sạt lở tại nhà; 02 trẻ em Trường Mầm non A Lù mất tích chưa liên lạc được do sạt lở.

Học sinh bị thương: Quảng Ninh 01 học sinh tại Trường THCS Suối Khoáng - Cẩm Phả; Cao Bằng 01 học sinh lớp 2 tại Lũng Lỳ, Ca Thành; Lào Cai 06 học sinh của xã Phúc Khánh bị thương đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.

Giáo viên bị tử vong và mất tích: Cao Bằng 01 thầy giáo thiệt mạng và 01 cô giáo mất tích; Yên Bái 02 giáo viên thiệt mạng do sạt lở đất.

Sân trường ngập bùn đất tại Trường THCS số 1 Phố Ràng. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Sân trường ngập bùn đất tại Trường THCS số 1 Phố Ràng (Lào Cai). (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Hiện các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học.

Theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa. Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được.

Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa, và kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.

Còn 99 trường chưa thể dạy học

Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào thứ Hai, ngày 16/9/2024.

Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 06 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).

Yên Bái là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 (Ảnh: TTLY/vov.vn)
Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 và hoàn lưu bão (Ảnh: TTLY/vov.vn)

Trước tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.

Các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai; đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện.

Đối với những gia đình giáo viên và học sinh có người tử vong, mất tích hoặc bị thương, tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính tùy theo mức độ thiệt hại. Giáo viên tử vong được hỗ trợ 30 triệu đồng/gia đình, học sinh và trẻ mầm non tử vong nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.

Ngày 11/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Kết quả ban đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).

Ngày 13/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và các tổ chức quốc tế: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)… Các tổ chức cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu Đô la Mỹ để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đã tích cực hỗ trợ học sinh vùng lũ: Tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam 719 triệu đồng; huy động đóng góp từ lương chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 124 triệu đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục kêu gọi, vận động tài trợ để hỗ trợ cho học sinh.

Minh Quang

Theo: Báo Công Thương