Bảo Minh (BMI) tăng tốc doanh thu nhưng lợi nhuận lại sụt giảm

(Banker.vn) Bảo Minh (BMI) ghi nhận doanh thu năm 2024 tăng gần 9%, đạt hơn 5.123 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm và bồi thường gia tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm gần 28%, chỉ còn hơn 237 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Tổng Công ty CP Bảo Minh (HOSE: BMI) ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm cũng như cả năm 2024. Dù vậy, lợi nhuận của Công ty lại sụt giảm đáng kể do chi phí hoạt động bảo hiểm và bồi thường gia tăng.

Bảo Minh (BMI) tăng tốc doanh thu nhưng lợi nhuận lại sụt giảm
Tổng tài sản của Bảo Minh tính đến cuối năm 2024 đạt 7.455 tỷ đồng, tăng khoảng 450 tỷ đồng so với thời điểm hồi đầu năm

Trong năm 2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh đạt gần 5.123 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng gần 9% so với năm trước. Phí bảo hiểm gốc của doanh nghiệp cũng đạt 5.960 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi phí bồi thường bảo hiểm cũng tăng mạnh, đạt 1.727 tỷ đồng, tăng thêm gần 160 tỷ đồng, tương đương 10%. Đồng thời, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 9%, lên mức 4.870 tỷ đồng, gây áp lực lớn lên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận sau thuế của BMI trong quý IV/2024 chỉ còn hơn 43 tỷ đồng, sụt giảm tới 42% so với mức 75 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được doanh nghiệp lý giải là do chi phí hoạt động bảo hiểm tăng cao, dẫn đến lợi nhuận gộp từ mảng này giảm gần 28 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính cũng giảm gần 11 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế của BMI giảm mạnh. Tính chung cả năm 2024, doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ đạt hơn 237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 28% so với năm 2023.

Bảo Minh (BMI) tăng tốc doanh thu nhưng lợi nhuận lại sụt giảm
Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bảo Minh còn có danh mục đầu tư tài chính khá đa dạng. Báo cáo tài chính cho thấy, công ty đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu trên sàn UPCoM và cổ phiếu chưa niêm yết với tổng giá trị gần 135 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn tại thời điểm 31/12/2024 đạt 3.345 tỷ đồng, thể hiện nguồn vốn đáng kể được duy trì trong các kênh đầu tư có tính an toàn cao.

Bảo Minh cũng tham gia đầu tư vào một số doanh nghiệp khác, trong đó đáng chú ý là khoản đầu tư vào Công ty bảo hiểm Liên Hiệp với tỷ lệ sở hữu lên tới 48,85% vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nắm giữ 10,29% vốn tại Công ty CP Sài Gòn – Kim Liên và 6,43% tại Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Những khoản đầu tư này góp phần đa dạng hóa nguồn thu nhưng cũng tiềm ẩn những biến động nhất định trên thị trường tài chính.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 31/12/2024, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn giữ vai trò cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 50,7%. Bên cạnh đó, bảo hiểm AXA.SA của Pháp hiện nắm giữ 16,65% cổ phần, trong khi Công ty TNHH Firstland chiếm 5,65%. Phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.

FPT: Doanh thu và lợi nhuận 11 tháng tăng trưởng hai chữ số

Trong 11 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng, tăng 19,5%. Lợi nhuận trước ...

PCE vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 dù doanh thu giảm nhẹ

Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) ghi nhận lãi ròng gần 28 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 33% so với ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục