Bảo mật vẫn là trở ngại chính trong thanh toán không tiền mặt

(Banker.vn) Thanh toán không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích song bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.
Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng gần 60% Phát triển thanh toán số, ngân hàng tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt

Chiều 14/6, trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”.

Bảo mật vẫn là trở ngại chính trong thanh toán không tiền mặt

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (giữa), cùng ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính (trái) và ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (phải) tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Định

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xác định, giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Liên quan vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Bảo mật vẫn là trở ngại chính trong thanh toán không tiền mặt
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong năm 2023, Cục A05 đã xác minh và phát hiện nhiều vụ tin tặc, gián điệp mạng đánh cắp và mã hóa một lượng lớn dữ liệu quan trọng. Đồng thời, phối hợp với công an các địa phương, Cục A05 đã khởi tố hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Một số vụ án điển hình được nêu ra, như việc triệt phá hơn 20 ổ nhóm, thu giữ nhiều thiết bị giả mạo trạm thu phát sóng di động (BTS); phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.800 tỷ đồng; hay việc Công an TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang lần lượt triệt phá các ổ nhóm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục A05 khuyến cáo người dân tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ…

Về phía TP. Hồ Chí Minh, để vừa đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân, ông Dũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, hoàn thiện trách nhiệm các bên liên quan trong giao dịch không tiền mặt.

Thành phố cũng sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.

Cuối cùng, theo ông Dũng, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các sở, ban, ngành, phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không tiến mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ giao dịch không tiến mặt một cách an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn thành phố.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: 99% giao dịch thu ngân sách thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

Theo đó, trước đây kho bạc có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết. Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.

Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỉ đồng.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương