Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Thúc đẩy số hóa về thủ tục hành chính

(Banker.vn) Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được ngành BHXH xác định là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới nền hành chính phục vụ.

Số hóa 100% về TTHC

Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 2402/KH-BHXH triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH Việt Nam.

Theo đó, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu giảm thời gian còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch vào năm 2025. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công (DVC), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ trong công tác giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Tại Kế hoạch, BHXH Việt Nam đặt ra 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố (BHXH các tỉnh) trực thuộc Trung ương và việc phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ Đề án, tập trung: Xây dựng Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Đề án và quy định của BHXH Việt Nam; thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia.

Đồng thời, ngành BHXH sẽ thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC ngành BHXH Việt Nam với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác.

Nâng cao công tác phục vụ

Những năm qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ TTHC của ngành này đang ngày càng được đơn giản hóa, giảm từ 114 TTHC (năm 2015) nay xuống còn 25 thủ tục. Đặc biệt, với việc triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay cho thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 1/6/2021 là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - cho hay, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có hướng đi đúng, đặt nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của ngành, góp phần vào thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Cho đến nay, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, qua những đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, có thể nói ngành BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu chủ quan, không bước tiếp, bước nhanh, ngành sẽ tụt lùi, nhất là trong xu thế, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của các Bộ, ngành và toàn xã hội hiện nay.

Do đó, trong bối cảnh hiện tại, chuyển đổi số được BHXH Việt Nam xác định là một nhiệm vụ rất quan trọng và những nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới mà ngành này đang đặt ra là rất lớn. Để thực hiện tốt công tác này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, cụ thể hoá nhiệm vụ của từng đơn vị trong công tác chuyển đổi số của ngành để góp ý cụ thể hơn vào kế hoạch; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu để kết nối, liên thông; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành huy động sự vào cuộc, hỗ trợ trong các vấn đề liên quan; các dự án CNTT cần nhanh chóng hoàn thiện, xử lý dứt điểm các tồn tại bởi trong chuyển đổi số nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vô cùng quan trọng, để duy trì sự ổn định, thông suốt. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi CSDL ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đã xác định, nâng cao công tác phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn qua việc chuyển đổi số. Vì vậy, ngành này sẽ tiếp tục tái cấu trúc lại thủ tục hành chính và DVC phù hợp với xu thế chuyển đổi số và tình hình CSDL của ngành; triển khai 100% DVC trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng và Cổng DVC của ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng DVC theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu; triển khai hệ thống quản lý rủi ro của ngành…

Hoa Quỳnh

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục