Bảo hiểm xã hội: Cần phát huy được vai trò bảo đảm quyền lợi người lao động

(Banker.vn) Mới đây, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đề xuất: Nếu người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH và đề nghị hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH. Đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của không ít người lao động. Phóng viên Báo Công Thương có cuộc phỏng vấn ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - xoay quanh vấn đề này.

Ở góc độ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, quan điểm của ông như thế nào trước đề xuất giảm chỉ còn 1 tháng lương khi người lao động rút BHXH 1 lần, thay vì được hưởng từ 1,5 - 2 tháng lương tính đóng như hiện hành?

Xét về góc độ kinh tế, khi rút BHXH 1 lần được hưởng từ 1,5 - 2% tháng lương xuống 1 tháng lương sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi NLĐ. Điều này chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình của nhiều người. Ở góc độ là người có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, tôi nghĩ: Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cần lấy ý kiến của NLĐ trước khi đề xuất, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Mọi thay đổi nên được sự đồng thuận của NLĐ, tương tự như khi giao kết hợp đồng lao động. Đặc biệt, sự thay đổi cần phù hợp với chủ trương chăm lo tới NLĐ theo Nghị quyết 20/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với đề xuất giảm tới 50% mức hưởng, không ít NLĐ có ý kiến: Nên chăng xem xét rút ngắn thời gian đóng BHXH và giảm tuổi hưu. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Điều chỉnh các quy định, hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần được xem là cần thiết, nhằm giữ vững vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm quyền lợi để giữ chân NLĐ. Trên thực tế, đa số NLĐ vẫn mong muốn có chế độ BHXH sau khi kết thúc quá trình lao động. Nếu vì mất việc, không xin được việc làm mới hoặc quá khó khăn mà họ muốn rút BHXH 1 lần thì cần tôn trọng quyết định đó. Còn nếu vì mục đích để hạn chế NLĐ rút BHXH 1 lần thì ý kiến xem xét rút ngắn thời gian đóng BHXH và giảm tuổi nghỉ hưu cũng nên quan tâm.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc NLĐ chọn hưởng BHXH 1 lần? để vừa giữ vững vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội, vừa cân bằng đời sống cho NLĐ, mức hưởng bảo hiểm cần tính như thế nào là phù hợp?

Phải khẳng định, hưởng BHXH 1 lần là sự lựa chọn không phải NLĐ nào cũng mong muốn. Song có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ phải lựa chọn hình thức này, như: Cần nguồn tài chính để giải quyết các nhu cầu cấp bách; nghỉ việc nên không tiếp tục tham gia BHXH; thời gian đợi hưởng BHXH lâu… Để khắc phục và giải quyết tình trạng này có nhiều giải pháp như: Tuyên truyền giáo dục về Luật BHXH, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho NLĐ…

Việc xác định mức hưởng BHXH cần phải được tính toán phù hợp, cân bằng, tránh thiệt thòi cho NLĐ, phải phát huy được vai trò của BHXH trong đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi của NLĐ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo khoản 2 điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Thanh Tâm (thực hiện)

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục